Sáng 08/3/2017, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN do Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN làm Trưởng đoàn.
Tham dự buổi làm việc có đại diện một số đơn vị chức năng của Bộ KH&CN; về phía Hoa Kỳ có ông Marc Mealy, Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN; đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và đại diện các công ty tham gia Đoàn.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tập trung cao độ cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế. Trong các chủ trương và giải pháp lớn thì nội hàm về KH&CN đều thể hiện một cách rõ ràng và có chiều sâu.
“Về KH&CN, Bộ KH&CN đang chuyển dịch mạnh chính sách theo hướng nghiên cứu và triển khai sang đổi mới sáng tạo, làm sao nhanh nhất biến tri thức và công nghệ đó thành tiền, đó là cách chúng tôi tham gia vào sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo và chính sách KH&CN đang xoay trục làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình này. Đây là bước chuyển dịch lớn ở điều kiện và trình độ nền kinh tế Việt Nam hiện nay”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đang nỗ lực thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là xây dựng và hình thành hệ sinh thái thực sự tạo thuận lợi cho phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thông tin đến Đoàn về việc hiện nay Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp thể hiện trong các Nghị quyết và chương trình hành động của Chính phủ. Điểm đáng chú ý là KH&CN Việt Nam đang bám sát các chỉ đạo chung của Chính phủ. Để cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã có một số chính sách mới như Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là lần đầu tiên chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam bám sát, tiếp cận những chuẩn mực quốc tế. Nội dung Nghị quyết bám sát theo đánh giá và xếp hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh (GCI) và Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII).
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh
Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với nhiều giải pháp cụ thể như cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp được đặt ra một cách đúng mức và có những giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Cùng với đó là Nghị quyết số 27/NQ-CP với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, trong những nội dung của Nghị quyết, nội hàm KH&CN được thể hiện trong những giải pháp cụ thể. Ví dụ như Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP xung quanh hoạt động đổi mới sáng tạo, hải quan một cửa và nhiều hoạt động khác, Bộ KH&CN là đầu mối có trách nhiệm thúc đẩy hoạt động này. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 môi trường kinh doanh nằm trong top ASEAN +4. Nghị quyết số 35/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp tại Việt Nam, Bộ KH&CN là đầu mối trong hoạt động này, yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ đóng góp vào con số 1 triệu doanh nghiệp. Trong Nghị quyết số 27/NQ-CP, Bộ KH&CN có trách nhiệm làm sao nâng cao năng lực công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đánh giá, định giá giá trị tài sản trí tuệ và khai thác tài sản trí tuệ.
Với những chính sách và giải pháp cụ thể như trên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ mong muốn Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày càng tích cực đầu tư, hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như là khu vực Đông Nam Á.
“Bộ KH&CN Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Hoa Kỳ, cụ thể là sẽ trao đổi với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ để đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị phía Hoa Kỳ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua các hình thức đầu tư, hướng dẫn, cố vấn, tham gia sự kiện Ngày hội khởi nghiệp hàng năm (Techfest).
Về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ trưởng cho rằng Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu trong thúc đẩy xu hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ KH&CN được Chính phủ giao là đầu mối để nghiên cứu, tham vấn cho Chính phủ sự chuẩn bị này tại Việt Nam.
“Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như mọi cuộc cách mạng khác gắn với kinh doanh, mô hình kinh doanh thế hệ thứ 4, vì thế cộng đồng doanh nghiệp rất thấu hiểu về vấn đề này. Bộ KH&CN mong muốn Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN sẽ tư vấn, hỗ trợ kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển công nghiệp 4.0; tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với công nghiệp 4.0, đặc biệt là chú trọng về đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin…
Trong thời gian tới, hai Bên sẽ hợp tác đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Việc soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi có được sự chia sẻ các kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật từ phía Hoa Kỳ. Bộ KH&CN cũng đang tích cực hoạt động trên 5 lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác KH&CN Việt Nam – Hoa Kỳ: Hải dương học, Công nghệ không gian, Sở hữu trí tuệ, Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Năng lượng nguyên tử. Hai Bên đang tăng cường nội dung hợp tác cụ thể, gần đây nhất là chuẩn bị cho Khóa họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN Việt Nam - Hoa Kỳ (JCM10) vào cuối năm nay.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ nghiên cứu đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đổi mới công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm và sản xuất sản phẩm trong các lĩnh vực mà Việt Nam và Hoa Kỳ ưu tiên tập trung hợp tác phát triển….
Đại sứ Michael Michalak cảm ơn Bộ trưởng đã chia sẻ một số vấn đề công tác hiện nay của Bộ KH&CN, cũng như sự tham gia của Bộ KH&CN đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay.
Đại sứ Michael Michalak bày tỏ vui mừng khi Bộ KH&CN đặt trọng tâm vào đổi mới sáng tạo, đây là lĩnh vực mà Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN làm việc rất chặt chẽ với Chính phủ Hoa Kỳ hay các Đại sứ quán Hoa Kỳ để tổ chức các chương trình quảng bá tại các địa phương, tại các điểm đến khác nhau về đổi mới sáng tạo.
Đại sứ Michael Michalak
“Những hoạt động đổi mới về mô hình tăng trưởng cũng như trọng tâm nêu ra trong các Nghị quyết đều là những động thái chính sách chúng tôi trông đợi và mong nhận được sự hợp tác từ phía Việt Nam. Chúng tôi sẽ hợp tác với Bộ KH&CN trên nhiều phương diện, lĩnh vực như hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua năng lực của chúng tôi về điện toán đám mây, về các công nghệ hiện đại thúc đẩy phát triển nông nghiệp đem lại lợi ích cho người dân cũng như tăng cường công tác giáo dục STEM…”, Đại sứ Michael Michalak cho hay.
Trong tương lai, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN sẽ hợp tác với Bộ KH&CN trong vấn đề đối thoại liên quan đến quá trình đưa công nghệ hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp đến Việt Nam, hợp tác song phương trong chống hàng giả cũng như các hình thức vi phạm sở hữu trí tuệ khác.
“Đặc biệt, việc đưa ra và quyết tâm thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam là một chính sách mang tính đột phá, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN mong muốn hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Tôi mong rằng Bộ KH&CN có vai trò quan trọng hàng đầu trong vấn đề này lập nên những diễn đàn, những hội đồng, với sự quy tụ nhiều bộ, ngành, đơn vị khác nhau”, Đại sứ Michael Michalak nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, một số đại diện của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã chia sẻ một số vấn đề về phê chuẩn thương hiệu quốc tế mới, hoạt động của Uber tại Việt Nam, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên internet, phát triển nguồn năng lượng mới để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Việt Nam… Các đại diện đã đưa ra những cơ hội hợp tác cũng như bày tỏ mong muốn sẽ hợp tác sâu, rộng và hiệu quả với Bộ KH&CN trong thời gian tới.