Ngày 23/12/2014, tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Ấn tượng KH&CN Việt Nam năm 2014" nhằm công bố, tôn vinh các sự kiện KH&CN ấn tượng năm 2014, đồng thời, ghi nhận những đóng góp của người làm khoa học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tham dự chương trình có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng.
Trong chương trình này, Ban tổ chức đã công bố 9 sự kiện KH&CN ấn tượng năm 2014, được bình chọn bởi các nhà quản lý uy tín, các nhà khoa học lớn trong cả nước, thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, cơ khí chế tạo, y dược, khoa học trong nông nghiệp, công nghệ cao... Những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực này đều có bước đột phá, tạo tiền đề lớn cho ngành KH&CN trong những năm tiếp theo.
Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, lần đầu tiên Việt Nam hạ thuỷ và xuất khẩu giàn khoan HRD ra nước ngoài, khẳng định công nghệ đóng giàn khoan của Việt Nam và mở ra yêu cầu ngày càng cao trong hợp tác quốc tế.
Đối với lĩnh vực y dược, đó là việc sản xuất thành công vắc xin Rotavin phòng bệnh tiêu chảy đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 5/2014 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước vắc xin rotavin được nghiệm thu, mở ra hy vọng cho hàng triệu trẻ em Việt Nam khi sử dụng vắc xin tiêu chảy. Đến nay, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên sản xuất ra vắc xin phòng tiêu chảy. Vắc xin rotavin đã được cấp phép đưa vào sử dụng với quy mô sản xuất 300.000 liều/năm. Dự kiến, sau khi đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin sẽ sản xuất được 1,6 triệu liều/năm vào năm 2016, để đáp ứng nhu cầu trong nước và sẽ xây dựng quy mô lớn hơn để tiến tới xuất khẩu trong tương lai. Cũng trong lĩnh vực y dược, lần đầu tiên mổ thành công tụy - thận từ người cho chết não của Viện Quân y 103.
Sự kiện nổi bật trong lĩnh vực công nghệ cao được công bố là việc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch ICDREC chính thức thương mại hoá sản phẩm, mở ra cơ hội lớn cho nhiều ngành công nghiệp.
Lĩnh vực nông nghiệp ghi nhận sự kiện Cơ quan năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trao tặng 3 giải cho lĩnh vực đột biến tạo giống, các giống được công nhận giống quốc gia và được gieo trồng trên hàng trăm nghìn héc-ta.
Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Giải thưởng đã được trao cho GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng (Khoa Toán trường Đại học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), nghiên cứu trong lĩnh vực toán, với Công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson - Mùi xem như các Modun trên đại số Steenrod”; và PGS. TS. Nguyễn Bá Ân (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), lĩnh vực vật lý, với Công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W”.
Sự kiện ấn tượng tiếp theo được ghi nhận là việc Tạp chí Khoa học và Công nghệ nano và Tạp chí Toán học được bình chọn vào hệ thống cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới SCOPUS, giúp người sử dụng có một cái nhìn tổng thể về kết quả nghiên cứu của các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y học, khoa học xã hội và nhân văn...
Sự kiện Nhà máy đóng tàu Ba Son đóng mới các tàu tên lửa 12418 cho Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam cũng là một trong những sự kiện KH&CN ấn tượng của năm. Đây là lớp tàu tên lửa đóng đầu tiên tại Việt Nam theo sự chuyển giao bản quyền của Nga, có quy trình công nghệ phức tạp, tính chính xác, đồng bộ và chuyên môn kỹ thuật cao...
Sự kiện cuối cùng và cũng là sự kiện ấn tượng nhất trong năm là việc lần đầu tiên tổ chức Ngày khoa KH&CN Việt Nam 18/5 - đánh dấu sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhân dân đối với vai trò, trọng trách của ngành KH&CN, người làm khoa học trong quá trình phát triển của đất nước. Nói về sự kiện này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Lần đầu tiên những người làm KH&CN Việt Nam có ngày riêng của họ. Ngày ấy không chỉ nhằm tôn vinh những người làm khoa học mà quan trọng hơn đó là ngày để xã hội biết đến những người làm khoa học, nuôi dưỡng niềm đam mê, sáng tạo của đội ngũ người làm khoa học trên cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ như thanh niên, học sinh, sinh viên.”
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đánh giá các sự kiện ấn tượng KH&CN năm 2014 được lựa chọn rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, không chỉ trong nước biết đến mà còn có tầm ảnh hưởng của khu vực. Theo ông Phan Xuân Dũng, trong tất cả các hoạt động của Quốc hội đều rất quan tâm đến KH&CN, sao cho KH&CN thực sự phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Cụ thể như Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định KH&CN là quốc sách hàng đầu. Sau Hiến pháp năm 2013 là Luật KH&CN sửa đổi với rất nhiều nội dung đột phá.
Cũng trong Chương trình "Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2014", Ban tổ chức đã trao biểu trưng cho các tác giả, nhóm tác giả các sự kiện KH&CN ấn tượng năm 2014 và mời họ giao lưu với khán giả, chia sẻ những khó khăn, những thành công trong quá trình thực hiện.
(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ mong muốn, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030
Gần 25 năm sau khi đề án Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm được chính phủ phê duyệt vào năm 2000, cho đến nay ngành KH&CN chưa có thêm một đề án đầu tư về cơ sở hạ tầng KH&CN hiện đại ở quy mô quốc gia, trong khi đó là một trong những yếu tố nền tảng để KH&CN Việt Nam có thể tạo ra những đột phá trong tương lai.
Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Sáng ngày 18/12/2024, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) chính thức khai giảng lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST.
Việc hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là bước đi chiến lược quan trọng, hướng đến xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Ngày 12/12/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ công bố và Hội thảo về “Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”, mã số KC.16/24-30 (Chương trình KH&CN Net Zero) nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.