Ngày 24/10, NHNN phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. |
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh bên cạnh nhiều thành tựu sau 30 năm đổi mới, hiện ở Việt Nam, cần đặt câu hỏi là trong thời gian tới thách thức như thế nào, trong đó có vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Đánh giá của một số tổ chức quốc tế về việc Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới gợi ý cho chúng tôi cần phải làm rõ thêm Việt Nam có tiền đề gì, lợi thế gì để hướng đến xu thế phát triển này”.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã kịp nắm bắt cơ hội để vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ xây dựng và phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu quốc tế. |
Cơ hội gắn liền với thách thức
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được sự quan tâm từ DN, đặc biệt là khối FDI. Tỉ trọng ngành này tại Việt Nam tăng dần theo từng năm, năm 2011 chiếm 50%, thì đến 2014 là 72%.
Có 80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh sự phát triển của DN thuộc lĩnh vực này không đồng đều, chủ yếu là DN FDI trong khi DN nội địa còn hạn chế.
Bà Victoria Kwakwa đánh giá, tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam còn khá thấp. Điều này cho thấy sự liên kết chuỗi giá trị toàn cầu với các DN trong nước còn hạn chế. Do vậy, bà Kwakwa cho rằng cần phải có chiến lược đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, như đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, logistic, chất lượng nhân lực và đặc biệt là đầu tư vào thể chế thị trường, thu hút FDI vào lĩnh vực này hơn nữa, để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.
Theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Đông Nam Á cho thấy Trung Quốc không còn được xem là "công xưởng" chính của thế giới. Trong khi đó, dòng vốn Nhật Bản đang chuyển mạnh vào Việt Nam. Có đến 60% DN Nhật Bản được khảo sát tại “Diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam-Nhật Bản 2015”cho biết sẽ chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước châu Á sang Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Cần nhiều chính sách để cụ thể hoá cơ hội
Ý tưởng để Việt Nam trong 10-15 năm tới trở thành một trung tâm chế biến và chế tạo mới của thế giới, theo KS. Đào Phan Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, là một ý tưởng rất táo bạo. Nếu thực hiện được việc này, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển.
Nhưng để ý tưởng thành hiện thực thì Nhà nước phải bổ sung kịp thời nhiều chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh mẽ hơn nữa.
Trên cơ sở kế thừa kết quả phát triển công nghiệp cơ khí 15 năm qua, hiện tại sản xuất của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đã có một số DN, một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế, như đóng tàu viễn dương, tàu cá, tàu du lịch…; chúng ta cũng có thể quy hoạch một số địa điểm làm dịch vụ và sửa chữa tàu biển để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế…
Theo ThS. Trần Thị Thành (Đại học Công nghệ TPHCM), mặc dù những năm qua, Nhà nước ta không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn đó sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, những thủ tục hành chính rườm rà, sự thiếu minh bạch trong quản lý. Đây chính là những vấn đề chúng ta cần cải thiện nhanh để thu hút được các nhà đầu tư.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ trân trọng ghi nhận những ý kiến quý báu, góp phần xây dựng cho tương lai của Việt Nam, góp phần thực hiện ước mơ đưa Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới.
Sau hội thảo này, người đứng đầu MTTQ Việt Nam mong muốn các bên liên quan sẽ phối hợp để đề xuất với Chính phủ về việc Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới và tìm các giải pháp phù hợp cho việc tận dụng cơ hội này.