Được sự giúp đỡ, động viên của Hội LHPN xã Thụy Vân, chị Xuân mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín với thu nhập bình quân từ 40 - 45 triệu đồng/tháng
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1968) ở khu 1, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì là một trong những hộ nghèo của địa phương. Hằng ngày, chị và chồng phải bươn chải đủ nghề mà cuộc sống vẫn chỉ quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo. Nhận thấy hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của gia đình chị, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thụy Vân đã động viên, hướng dẫn chị làm thủ tục vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chuồng trại, mua con giống phát triển kinh tế chăn nuôi. Sau nhiều năm tìm tòi học hỏi kiến thức cùng đức tính cần cù, chịu khó, nhạy bén với thời cuộc, chị Xuân tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi theo quy trình khép kín, vừa chăn nuôi lợn, vừa tận dụng nguồn chất thải của lợn làm hầm bioga để nấu rượu bán, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chị Xuân phấn khởi cho biết: “Đến năm 2013, gia đình tôi đã thoát nghèo, xây dựng được một cơ ngơi khang trang với tổng diện tích gần 300m2. Hiện gia đình tôi đang nuôi trên 100 con lợn nái và lợn thương phẩm sạch, có thời điểm lên tới vài trăm con, cung cấp cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã và các vùng lân cận. Hằng tháng nấu từ 1.800 - 2000 lít rượu bán ra thị trường. Thu nhập bình quân của gia đình từ 40 - 45 triệu đồng/tháng”.
Hay như chị Phạm Thị Hương (sinh năm 1977) ở thôn 8, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ giàu của xã từ khởi nghiệp bằng nghề chế biến gỗ. Chị Hương cho biết: “Năm 2008, vợ chồng tôi có ý tưởng tận dụng tiềm năng, lợi thế về rừng và nguồn lao động của địa phương để mở một cơ sở chế biến gỗ tại nhà. Biết được điều này, cán bộ Hội LHPN xã và huyện đã đến động viên, hỗ trợ gia đình tôi một số vốn để khởi nghiệp; đồng thời, vợ chồng tôi cũng mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư nhà xưởng và máy móc. Thời gian sau đó, vợ chồng tôi tiếp tục đầu tư mở rộng dịch vụ kinh doanh vận tải kết hợp với trang trại chăn nuôi lợn. Đến nay, cơ sở chế biến gỗ của gia đình có 10 máy xẻ gỗ và máy làm dăm cùng nhiều xe vận tải, tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, trong đó có 10 lao động nữ với mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Tổng số đàn lợn trên 400 con. Thu nhập bình quân trừ chi phí của gia đình từ 150 - 170 triệu đồng/tháng”.
Có thể thấy, với sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Cho đến nay, toàn tỉnh đã có trên 140.200 hộ phụ nữ được vay vốn và hỗ trợ trực tiếp để phát triển sản xuất kinh doanh với tổng nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó đã có hàng nghìn hộ thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 8,9% (năm 2017).
Bà Vũ Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Để có được những kết quả đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng sáng tạo, chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động cụ thể nhằm tiếp sức về vốn, kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh cho các hội viên phụ nữ, giúp họ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hướng dẫn xây dựng ý tưởng trong sản xuất kinh doanh; tư vấn học nghề, tổ chức dạy nghề gắn với giới thiệu và hỗ trợ việc làm cho lao động nữ. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng, tạo cơ sở, tiền đề thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong chị em phụ nữ. Nhờ đó, bình quân mỗi năm toàn tỉnh đã có trên 120 lớp dạy nghề được tổ chức, tạo điều kiện cho trên 4.500 lao động nữ tham gia học tập; tỷ lệ phụ nữ sau dạy nghề có việc làm, thu nhập ổn định chiếm 85%”.
Để vận động, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên phụ nữ, nhất là hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có ý tưởng khởi nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu, ý tưởng của hội viên, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương thành lập mới và duy trì có hiệu quả trên 40 hợp tác xã, tổ hợp tác, 118 tổ/nhóm liên kết chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, từ đó khuyến khích, động viên hội viên phụ nữ tích cực tham gia; đồng thời xây dựng, duy trì và nhân rộng hàng trăm mô hình sản xuất, kinh doanh ngành nghề có giá trị kinh tế cao do phụ nữ làm chủ. Tiêu biểu như: Mô hình trang trại tổng hợp rừng, vườn, ao chuồng xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê; mô hình sản xuất kinh doanh dịch vụ, phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ; mô hình tổ liên kết kinh doanh dịch vụ nấu ăn trọn gói tại thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao; mô hình nuôi cá bãi quây ở xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa…
Không chỉ có vậy, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh còn được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh triển khai sâu rộng thông qua việc thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội. Đến nay, các phong trào thi đua, cuộc vận động như: “Làm theo lời Bác, phụ nữ thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Mái ấm tình thương”… đã thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần, ý thức tiết kiệm thường xuyên trong mỗi gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ và toàn xã hội. Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều ý tưởng, mô hình sáng tạo, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương. Qua đó góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Hội Phụ nữ trong đời sống xã hội.
Có thể khẳng định, thông qua hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã vượt khó vươn lên, tích cực thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình và xã hội. Họ thực sự là những bông hoa đẹp, luôn tỏa sáng với ý chí, nghị lực và khát vọng mạnh mẽ để thay đổi cuộc sống, trở thành tấm gương phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên các miền quê Đất Tổ.