Theo các chuyên gia giáo dục và chính những người trong cuộc: Đối với các trường học VNEN, hiệu trưởng có vai trò quan trọng và họ phải thực sự là nòng cốt trong chuyên môn và mọi phong trào hoạt động của nhà trường.
Hiệu trưởng phải là nòng cốt…
Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ là một trong những trường của thành phố Lào Cai triển khai áp dụng theo mô hình trường học mới. Đây là năm thứ 3 nhà trường thực hiện theo mô hình này.
Cô Bùi Thị Kim Chi – Hiệu trưởng - cho biết: Năm đầu tiên chính thức dạy học theo VNEN, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn: Phương pháp dạy và học hoàn toàn mới, khác hẳn so với cách dạy truyền thống như trước đây.
Thời gian đầu, một số giáo viên cũng có đôi chút hoang mang và chưa bắt nhịp với yêu cầu của đổi mới. Phụ huynh vẫn còn hoài nghi và chưa hình dung được hết VNEN là như thế nào…
“Thời điểm đó, tôi phải tổ chức họp phụ huynh để tuyên truyền giải thích cho họ hiểu được những ưu điểm khi con em mình thọc theo VNEN. Đối với giáo viên tôi cũng phải thường xuyên động viên, nắm bắt tâm tư của từng người.
Rồi tổ chức tập huấn cho các giáo viên. Cứ như vậy, tôi và các đồng chí trong Ban giám hiệu kiên trì, nỗ lực và quyết tâm thực hiện bằng được mô hình này.
Nghĩ đi nghĩ lại mới thấy đúng là vai trò của người đứng đầu quan trọng thật. Nếu mình không phất cờ tiên phong thì có lẽ sẽ không được như ngày hôm nay” – Cô Chi bộc bạch.
Cũng theo cô Chi, sau 3 triển khai theo mô hình trường học mới, cả giáo viên và học sinh của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đã có những thay đổi tích cực đến phương pháp dạy và học.
Giáo viên đã chủ động điều chỉnh cách dạy để phù hợp với những yêu cầu đổi mới.
Còn học sinh thì đã tự tạo cho mình một cách học mới tích cực hơn, linh hoạt hơn và sáng tạo hơn. Điều đáng nói là các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp của các em đã có những tiến bộ vượt bậc.
Cô Chi trao đổi: “Đối với trường học VNEN thì vai trò của hiệu trưởng rất quan trọng. Đã là cái mới bao giờ cũng có những khó khăn ban đầu. Nếu hiệu trưởng nản trí, không nhiệt huyết thì sẽ bị đổ vỡ.
Ngược lại nếu hiệu trưởng có quyết tâm và thực sự tâm huyết thì hoàn toàn triển khai và áp dụng được vào thực tế giảng dạy trong nhà trường. Khi hiệu trưởng tâm huyết thì sẽ truyền được sự say mê cho giáo viên và giáo viên sẽ truyền cảm hứng sang học sinh, phụ huynh.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng phải thực sự là cốt cán về chuyên môn, phải là người làm mẫu, rồi hướng dân, giúp đỡ, tư vấn cho giáo viên đi theo đúng định hướng của mô hình trường học VNEN.
Cũng giống như Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân của thành phố Lào Cai, nếu ai đã từng đến thăm sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự tự tin, năng động của các em học sinh.
"Chính các em sẽ là những “hướng dẫn viên” cho những lữ khách về thông tin của nhà trường, của lớp học VNEN. Tuy nhiên, ít ai biết được để có những kết quả như ngày hôm nay thì có sự đóng góp không nhỏ của hiệu trưởng nhà trường" – Cô Trần Thị Thùy Dung.
Cô Dung là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những đổi mới khi nhà trường thực hiện áp dụng VNEN.
Cô Dung quan niệm: Khẩu hiệu “hiệu trưởng là nòng cốt về chuyên môn” lúc nào cũng đúng. Nhất là với trường học VNEN – một mô hình mở, nếu như hiệu trưởng không thể hiện tốt vai trò nòng cốt chuyên môn của mình thì sẽ rất khó để chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên thực hiện đúng hướng.
Ngoài chuyên môn, hiệu trưởng còn phải là nòng cốt trong mọi phong trào, hoạt động của nhà trường. Phải làm tốt công tác tuyên truyền, phải xác định được việc xây dựng điển hình trong nhà trường. Trong đó có giáo viên điển hình, học sinh điển hình, và phụ huynh điển hình.
… và đầu tàu gương mẫu
Học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai) tự tin trong một học VNEN |
Đồng tình với quan điểm trên, bà Cao Thị Thanh Hân - Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Lào Cai cho rằng: Bên cạnh vai trò quan trọng của giáo viên trong lớp học VNEN thì hơn ai hết Hiệu trưởng phải là cốt cán trong chuyên môn, phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động.
Người ta sẽ hình dung được phần nào về giáo viên, học sinh của trường đó thông qua vị hiệu trưởng và người lại từ cách quan sát giáo viên, học sinh người ta cũng có thể biết được Hiệu trưởng của trường đó như thế nào.
Vì vậy với trường học VNEN câu nói “hiệu trưởng phải là nòng cốt, phải đầu tầu gương mẫu” không phải là khẩu hiệu nữa mà phải trở thành hành động trong thực tiễn ở các nhà trường. Có như vậy mô hình thì trường học VNEN mới thành công được.
Và nói như ông Đặng Tự Ân -C huyên gia trưởng trực tiếp chủ trì thiết kế và xây dựng văn kiện của Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam: Công tác quản lí, chỉ đạo của các nhà trường cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm, chú trọng hàng đầu, mà ở đó vai trò của người đứng đầu là hiệu trưởng có yếu tố quyết định.
Theo đó, rất cần có một sự tâm huyết, tự học tự nghiên cứu và tổ chức hướng dẫn cho giáo viên thực hiện ở người hiệu trưởng trong trường học VNEN.