Sản xuất CNC theo mô hình nhà màng của ông Nguyễn Hoàng Mạnh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao
Mô hình nhà màng của ông Nguyễn Hoàng Mạnh ở khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông là mô hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng CNC của tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực. Được triển khai từ năm 2015, với số vốn hơn 400 triệu đồng vay được, ông Mạnh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới với diện tích hơn 1.500m2 để trồng rau màu các loại. Sau một thời gian ứng dụng hiệu quả mô hình, ông Mạnh tiếp tục được tỉnh hỗ trợ xây dựng một nhà màng rộng gần 3.500m2 với tổng kinh phí là 2,7 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của hộ gia đình chiếm khoảng gần 30%. Các giống cây được trồng chủ yếu là dưa lưới, dưa chuột, cà chua, các loại rau, củ, quả theo mùa. Mô hình nhà lưới của ông Mạnh được áp dụng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới phun mưa. Quy trình canh tác tại đây đều được ông tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ chọn giống, làm đất, gieo trồng, ươm hạt tới chăm sóc. Vì được trồng trong nhà lưới, cùng hệ thống tưới tự động nên độ ẩm trong đất luôn đảm bảo, rau, củ, quả ở đây phát triển xanh tốt, ít bị sâu bệnh, từ đó hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, việc canh tác trong nhà lưới không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu giúp chủ động được kế hoạch sản xuất cũng như khắc phục tình trạng mất mùa vụ.
Ông Mạnh chia sẻ: “Sản xuất CNC theo mô hình nhà màng giúp chi phí về vật tư và công lao động giảm nhiều, nhưng lại cho năng cho năng suất cây trồng cao gấp 1,5 lần, chất lượng đồng đều. Với mô hình nhà màng này, mỗi năm có thể trồng ít nhất 3 vụ, sản lượng đạt khoảng từ 1,5 - 4 tấn rau, củ, quả/ sào, đem lại lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng”.
Còn tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, vườn nấm ứng dụng nhiều kỹ thuật CNC Minakami được triển khai trên diện tích hơn 8.000m2, cung ứng ra thị trường 60 tấn nấm tươi/năm đang là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bà Trần Thị Oanh - Cán bộ quản lý vườn nấm cho biết: Nấm hương Minakami được được sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, trồng theo quy trình khép kín, nguyên liệu chính là từ mùn cưa làm từ gỗ bồ đề không có độc tố, trộn cám gạo, cám sắn theo tỷ lệ thích hợp. Để diệt các loại vi khuẩn có hại, nguyên liệu làm nấm được đóng thành bịch trong các túi nilon PE, gần miệng túi có gắn màng lọc khí, sau đó được đưa vào lò hấp ở 105 độ C trong vòng 8 tiếng trước khi thả giống. Việc thả giống được thực hiện hoàn toàn bằng máy móc trong môi trường vô trùng nhằm đảm bảo tốt nhất sự phát triển của giống nấm. Sau 120 ngày, tính từ ngày thả giống, những bịch nấm phát triển hoàn toàn sẽ được cắt túi bóng di chuyển ra kệ và bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi bịch nấm cho thu hoạch từ 4 - 5 lần; tổng sản lượng từ 4-5 tấn nấm/tháng; giá bán bình quân sản phẩm tươi từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, đem lại hiệu quả kinh tế tương đối cao.
Để có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại, trên cơ sở quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ, thời gian qua tỉnh đã tạo điều kiện về cơ chế, có chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC, xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng CNC vào sản xuất; nhiều mô hình đã được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất… Tỉnh đã thu hút được 42 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có 19 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh; một số doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại. Tiêu biểu như nhà máy sản xuất trứng gà sạch tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông của Công ty cổ phần ÐTK đưa vào hoạt động từ đầu năm 2017. Ðây là nhà máy sản xuất trứng gà sạch CNC ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật Bản, Mỹ, Isarel, có khả năng kiểm soát an toàn sinh học trong toàn bộ quy trình sản xuất trứng sạch. Cùng với đó, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, các địa phương cũng đã triển khai quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp CNC để tập trung các nguồn hỗ trợ, bước đầu đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng CNC như mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng cao ở các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê; dự án trồng cây ăn quả có múi và nhà máy chế biến tại xã Ðông Thành, huyện Thanh Ba; mô hình trồng cây ăn quả có múi (bưởi, cam, chanh) với quy mô lớn, ứng dụng tưới tiết kiệm tại các huyện Lâm Thao, Hạ Hòa, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn; trồng chuối xuất khẩu tại thị xã Phú Thọ và các huyện Tam Nông, Hạ Hòa, Thanh Ba. Ðồng thời, hoàn thành tốt công tác dồn đổi ruộng đất tạo tiền đề để ứng dụng CNC, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn tại các xã Hương Nộn, Quang Húc, huyện Tam Nông; xã Vĩnh Lại, Bản Nguyên, huyện Lâm Thao; xã Đỗ Xuyên, Lương Lỗ ở huyện Thanh Ba…; hình thành một số mô hình sản xuất theo chuỗi có thị trường tiêu thụ ổn định như mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao J02 của Công ty cổ phần Vật tư giống công nghệ cao Việt Nam cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5 đến 10 triệu đồng/ha; sản xuất giống ngô lai F1 LVN99 tại huyện Lâm Thao với quy mô 50 đến 70 ha/năm, thu lãi 40 triệu đồng/ha... Nhờ đó, hiệu quả sản xuất được nâng cao rõ rệt, giá trị sản phẩm cây trồng hằng năm/ha đất canh tác tăng 8,4%, giá trị sản phẩm thủy sản/ha nuôi trồng tăng 78,8%.
Mặc dù đã thu được những kết quả nhất định trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng CNC cần vốn đầu tư lớn, quy trình sản xuất chặt chẽ, hàm lượng tri thức cao, sản lượng cao đòi hỏi thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định, nhất là đối với người dân mới tiếp cận làm nông nghiệp CNC, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống nhỏ lẻ.
Phát triển nông nghiệp CNC là định hướng quan trọng của Chính phủ và là ưu tiên hàng đầu của tỉnh trong thời gian tới. Tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phát huy lợi thế từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển nông nghiệp cận đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, địa phương…