Ngày 4/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đ/c Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam phải "hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam"
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Trung tâm được xây dựng với mô hình, thông lệ tiên tiến nhất, phù hợp với bối cảnh Việt Nam, có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế. Theo kế hoạch đã đề ra, Trung tâm dự kiến sẽ có trụ sở tại Hà Nội và cơ sở hoạt động tại Hòa Lạc. Cùng với đó, vốn đầu tư xây dựng Trung tâm sẽ được huy động đóng góp từ doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư; không sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã đạt được một số kết quả đáng kể. Trung tâm đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, Trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính. Những đối tác lớn và quan trọng của Trung tâm như các tập đoàn công nghệ Google, Meta, Amazon, Siemens, Hitachi, Viettel, FPT, CMC; các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế; các trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các nước như Station F (Pháp), Brainport (Hà Lan), IMEC, Hub. brussels (Bỉ), Adlershof (Đức)... cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia hệ sinh thái. Trung tâm cũng đã hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các viện-trường hàng đầu trên thế giới. Mạng lưới hiện nay đã phát triển 8 mạng lưới thành phần tại Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu và 2 mạng lưới tại Mỹ. Đây là nguồn lực trí thức rất lớn, sẵn sàng tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm các hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ về tiếp cận vốn, hỗ trợ về cố vấn, tư vấn các giải pháp. Một số chương trình tiêu biểu gồm: Phối hợp Quỹ đầu tư ADB Ventures hỗ trợ tài chính và đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; phối hợp Google tập huấn cho các startups; phối hợp tổ chức chương trình VietChallenge tại Hoa Kỳ lựa chọn startup Việt tiềm năng để kết nối đầu tư; tổ chức các chương trình trao đổi startups; các chương trình, hội thảo tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Trung tâm cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo tại các viện-trường, địa phương, phối hợp liên kết các đại học quốc tế lớn cung cấp các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thương mại hóa nghiên cứu công nghệ; phối hợp đối tác Google tổ chức Chương trình Nhân tài số với hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tham gia; phối hợp USAID triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực, phối hợp Tổ chức STEAM for Vietnam tổ chức đào tạo hơn 20.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở về lập trình máy tính và STEM, tổ chức cuộc thi Robotics cho sinh viên; xây dựng hệ thống quản trị đào tạo trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu đã tới thămkhông gian làm việc của Công ty An ninh mạng SCS tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Sau khi đi thăm cơ sở vật chất, các hoạt động và các sản phẩm đổi mới sáng tạo tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với cán bộ, nhân viên Trung tâm. Đại diện Trung tâm và các đối tác đã chia sẻ về sự cần thiết, cơ hội và khả năng hợp tác và ý nghĩa to lớn từ đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, các đại biểu đề nghị có cơ chế chính sách để thu hút, tập hợp nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ là người Việt Nam ở nước ngoài mà nhân lực chất lượng cao của thế giới làm việc cho Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đi làm công nghệ cao, mà theo cách tiếp cận khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tác động thế nào đến kinh tế đất nước, và nền kinh tế đất nước tận dụng cơ hội này như thế nào. Từ đó, hướng đi chủ yếu là tạo hệ sinh thái hỗ trợ các thực thể liên quan đổi mới sáng tạo. Đây là trung tâm của quốc gia nhưng cần chung tay của các bộ, ngành ủng hộ về thể chế, chính sách. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng Trung tâm thu hút không chỉ người Việt ở nước ngoài mà cả các nhân tài người nước ngoài về Việt Nam làm việc. Trung tâm hướng tới sẽ hình thành các trung tâm về từng lĩnh vực như sản xuất thông minh, đô thị thông minh, an ninh mạng, công nghệ môi trường, chíp bán dẫn, y tế… để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu "đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao"; phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vấn đề là cần thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối của Đảng. Việc xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo là rất cần thiết và kịp thời. Thủ tướng Chính phủ mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam phải "hội tụ trí tuệ và lan toả lợi ích đổi mới sáng tạo Việt Nam", trở thành nơi hội tụ trí tuệ trên khắp thế giới, không kể biên giới, khoảng cách, tuổi tác, từ đó, tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan toả lợi ích, giá trị cho toàn xã hội và tiếp tục phát triển Trung tâm. Để làm được điều này, theo Thủ tướng phải có cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực, công sức và tâm huyết. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xây dựng các văn bản, tạo khuôn khổ pháp lý cho Trung tâm vận hành hiệu quả; xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, hội tụ trí tuệ; tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; các vườn ươm sáng tạo; hỗ trợ ban đầu cho các startup có trí tuệ, quyết tâm…
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ sở dữ liệu, muốn có trí tuệ nhân tạo (AI) phải có cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan khác khai thác tốt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Cùng với đó, hoàn thiện mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện Việt Nam; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; xây dựng nền tảng số để kết hợp các hoạt động của hệ sinh thái, số hóa việc điều khiển vận hành của Trung tâm; số hóa tương tác giữa hệ sinh thái trong và ngoài nước với Trung tâm…
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác thăm cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã thăm cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Khi hoàn thành, đây là nơi tập trung các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế, các phòng thí nghiệm, văn phòng của các tập đoàn lớn, đồng thời là nơi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu.
Theo vista.gov.vn
13 ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 đã được vinh danh tại Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi diễn ra sáng nay 13/11/2024 do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế - Cơ quan Thường trực Cuộc thi tổ chức.
Trước những thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Israel... đã xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, trong đó tập trung thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Mỗi quốc gia đã phát triển chiến lược cụ thể nhằm nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp
Ngày 12/11/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo tham vấn phục vụ công tác thẩm định Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tham dự và chủ trì Hội thảo.
Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đang được sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Đó là chủ đề của Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Quốc gia - TECHFEST 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28/11/2024 tại thành phố Hải Phòng do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng tổ chức.
Chiều ngày 01/11/2024, tại Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị thẩm định 06 dự án đổi mới công nghệ. Bà Chu Thị Bích Thủy – Phó Giám đốc Sở làm Chủ tịch Hội đồng.