Trung tuần tháng Hai vừa qua, 28 sinh viên Việt Nam khóa đầu tiên tại Trường Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI), ngành Kỹ thuật Hạt nhân, đã nhận Bằng tốt nghiệp sau 6 năm học tập.
Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên các sinh viên nước ngoài được học tập và nhận bằng tốt nghiệp trong chương trình hỗ trợ của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM).
Trong số 28 sinh viên tốt nghiệp có 5 sinh viên đã tốt nghiệp với tấm bằng Danh dự (bằng "Đỏ", loại giỏi) và 23 em còn lại tốt nghiệp loại khá. Phía Nga khẳng định các sinh viên này có thể làm việc trong bất cứ ngành công nghệ cao nào.
Phát biểu về sự kiện, Quyền Hiệu trưởng trường MEPhI Leonova Tatiana Nikolaevna nhấn mạnh: "Sự kiện trao bằng danh dự sẽ bắt đầu truyền thống mới. Hàng năm trường sẽ tự hào vinh danh những sinh viên quốc tế tốt nghiệp loại giỏi, cũng như những chuyên gia quốc tế được MEPhI đào tạo."
Năm nay, trường không chỉ chào đón tân sinh viên đến từ Việt Nam mà còn từ Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ có thêm nhiều lượt sinh viên tốt nghiệp mới.
Đại diện Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sklyar Gennady Ivanovich đánh giá việc Việt Nam gửi gắm sinh viên đến Nga đào tạo về năng lượng hạt nhân chính là sự xác nhận về danh tiếng và uy tín của ROSATOM, cũng là danh tiếng và uy tín của nước Nga.
Giám đốc các dự án giáo dục - Bộ phận Nhân lực thuộc ROSATOM, ông Valery Karezin cho biết hiện có khoảng 1.400 sinh viên quốc tế đang theo học các chương trình thuộc dự án của ROSATOM tại Nga. Những tri thức tiếp thu trong quá trình đào tạo sẽ giúp các bạn sinh viên tốt nghiệp đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như tại các quốc gia khác và họ hoàn toàn có thể làm việc trong những cơ quan, tổ chức ở nước ngoài, các quốc gia có nhà máy điện hạt nhân.
Đối với trong nước, các sinh viên có thể làm việc tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ tại Việt Nam, các Viện nghiên cứu của Việt Nam.
Liên bang Nga và Việt Nam có lịch sử hợp tác lâu dài trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, các chuyên gia Nga đã giúp Việt Nam khôi phục lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt, đến nay vẫn vận hành tốt. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ ROSATOM, Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử (ICONE) tại trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cũng được thành lập nhằm cung cấp các thông tin về kỹ thuật hạt nhân đến với cộng đồng.