“Đội ngũ trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Nhằm hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 năm nay với chủ đề “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ, Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo”, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quốc gia phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm Tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam tại Hà Nội.
Phụ nữ chiếm 46% trong tổng nhân lực nghiên cứu và phát triển
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần phải phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trong đó lực lượng nữ trí thức đã và đang giữ một vị trí hết sức quan trọng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định năng lực sáng tạo của lực lượng nữ trí thức đã và đang giữ một vị trí hết sức quan trọng.
Theo số liệu thống kê của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia năm 2019 cho thấy, số lượng nữ chiếm 46% trong tổng nhân lực nghiên cứu và phát triển. Cộng đồng nữ trí thức Việt Nam rất đa dạng, bao gồm các nữ nhà khoa học, doanh nhân trong mọi lĩnh vực. Các nữ trí thức đã đóng góp nhiều công trình khoa học có giá trị về lý luận và ứng dụng thực tiễn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có những đề tài nghiên cứu, sáng kiến khoa học làm lợi cho đất nước hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, các nhà khoa học nữ còn có vai trò quan trọng đối với hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công vẫn còn tồn tại không ít những trở ngại, những khó khăn làm hạn chế vị trí, vai trò của nữ trí thức. Do vậy, việc hỗ trợ các nữ trí thức quảng bá, giới thiệu và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết họ với các doanh nghiệp nhằm khai thác và phát triển giá trị các tài sản trí tuệ, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.
Tham dự Triển lãm có gần 30 gian hàng của 38 đơn vị đại diện cho các nhà khoa học, doanh nghiệp nữ tiêu biểu của Việt Nam, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, thiết bị, công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (hóa dược, y sinh, cơ khí, nông nghiệp…).
Các tài sản trí tuệ này cũng đã và đang được các nhà khoa học, doanh nghiệp tích cực khai thác, phát triển, thương mại hóa, mang lại giá trị kinh tế không nhỏ để tiếp tục đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, tạo ra những bước tiến mới mang tính đột phá cho khoa học, công nghệ Việt Nam.
Phụ nữ Việt Nam đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế đất nước
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, đội ngũ trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Số liệu thống kê cho thấy, vai trò và số lượng phụ nữ tham gia vào lĩnh vực lao động trí tuệ ngày một tăng, qua đó, ngày càng có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phụ nữ ở khắp mọi nơi trên thế giới đã và đang đóng vai trò không nhỏ vào việc tạo ra các kết quả nghiên cứu khoa học mang tính đột phá, thiết lập những xu hướng sáng tạo mới, đóng góp vào sự chuyển đổi của thế giới theo hướng tích cực hơn. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, giới nữ đã và đang khẳng định được vị thế, vai trò của mình, xứng đáng được xã hội và cộng đồng ghi nhận, tôn vinh.
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí, lực lượng nữ trí thức xứng đáng được xã hội và cộng đồng ghi nhận, tôn vinh.
Theo Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Andrew Mecheal Ong, các thống kê của Việt Nam cho thấy, 37% sinh viên nữ tốt nghiệp các trường khoa học về công nghệ; khoảng 25% doanh nghiệp Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nhân nữ. Phụ nữ Việt Nam đóng góp rất nhiều vào phát triển kinh tế đất nước. WIPO luôn giúp đỡ và hỗ trợ cộng đồng doanh nhân nữ và phụ nữ Việt Nam phát triển.
Ông Andrew Mecheal Ong cho rằng, phụ nữ Việt Nam đóng góp rất nhiều vào phát triển kinh tế đất nước.
Trong khuôn khổ triển lãm cũng diễn ra tọa đàm một số vấn đề về sở hữu trí tuệ cần lưu ý trong hợp tác trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp; tập huấn sở hữu trí tuệ và kỹ năng sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 22/4/2023.
Các đại biểu tham quan các gian hàng tại Triển lãm.
Triển lãm là một trong những hoạt động kỷ niệm chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 và hướng tới chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
Theo most.gov.vn
Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) là bộ chỉ số tổng hợp duy nhất hiện nay cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của từng địa phương.
Việt Nam - quốc gia đứng thứ 133 trên thế giới về thu nhập bình quân đầu người, nhưng xếp thứ 44 về GII, với thành tích xuất nhập khẩu công nghệ cao và tăng trưởng năng suất lao động, theo CNN.'
Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng tất yếu toàn cầu, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho các quốc gia và doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, ngăn chặn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên nền tảng TMĐT.
13 ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 đã được vinh danh tại Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi diễn ra sáng nay 13/11/2024 do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế - Cơ quan Thường trực Cuộc thi tổ chức.
Trước những thách thức và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Israel... đã xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, trong đó tập trung thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Mỗi quốc gia đã phát triển chiến lược cụ thể nhằm nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp
Ngày 12/11/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo tham vấn phục vụ công tác thẩm định Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định tham dự và chủ trì Hội thảo.