Thực trạng và yếu tố tác động tới năng suất lao động của Việt Nam thông qua khảo sát doanh nghiệp sản xuất công nghiệp
Thông qua khảo sát năng suất lao động của các doanh nghiệp thuộc 7 ngành kinh tế, các tác giả đã nêu bật những vấn đề cản trở tăng năng suất lao động trong các doanh nghiệp của nước ta hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy năng suất lao động cho các doanh nghiệp.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng như kết quả nghiên cứu, tính toán tại Việt Nam cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam hiện đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, là một trong những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ, xã hội, các chuyên gia đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua.
Để hiểu rõ hơn về thực trạng năng suất lao động của các ngành và doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra 2.000 doanh nghiệp thuộc 7 ngành kinh tế trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. 7 ngành kinh tế thuộc các nhóm ngành công nghệ từ thấp đến cao, qua đó cho thấy bức tranh về năng suất các ngành công nghiệp của Việt Nam. Các doanh nghiệp thuộc 7 ngành kinh tế được điều tra gồm: (1) Nhóm ngành công nghệ thấp (sản xuất chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và sản phẩm có liên quan); (2) Nhóm ngành công nghệ trung bình (sản xuất sản phẩm từ cao su và plasitics); (3) Nhóm ngành công nghệ cao (sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thiết bị điện).
Kết quả năng suất lao động thông qua điều tra doanh nghiệp thuộc 7 ngành kinh tế
Năng suất lao động chung của các doanh nghiệp thuộc 7 ngành nghiên cứu vào khoảng 258 triệu đồng/người vào năm 2014. Nếu so với mức chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì năng suất chung của các doanh nghiệp thuộc 7 ngành này cao hơn khá nhiều.
Trong các ngành nêu trên, những ngành thuộc nhóm công nghệ cao có năng suất lao động cao hơn hẳn những ngành công nghệ thấp sử dụng lao động là chủ yếu. Ví dụ, sự khác biệt rõ ràng về năng suất lao động của ngành sản xuất hóa chất và ngành sản xuất thiết bị điện so với ngành sản xuất trang phục, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan.
Hình 1: năng suất lao động so sánh giữa các ngành bình quân 2011-2014 (triệu đồng/người/năm)
Hình 2: biểu đồ phân bố năng suất lao động bình quân 2011-2014 của doanh nghiệp thuộc 7 ngành kinh tế (triệu đồng/người/năm)
Năng suất lao động bình quân của 7 ngành nghiên cứu trung bình 2011-2014 khoảng 238 triệu đồng/người/năm. Năng suất lao động có độ dao động lớn (độ lệch chuẩn = 444,6) cho thấy sự khác biệt lớn về năng suất. Về tổng thể chung, năng suất lao động có sự khác biệt rõ nét giữa các ngành, xếp theo cấp độ công nghệ, từ công nghệ thấp tới công nghệ trung bình và công nghệ cao. Trong đó, ngành dệt, may, chế biến thủy sản được coi là ngành công nghệ thấp, ngành cao su và nhựa là ngành công nghệ trung bình, ngành hóa chất và thiết bị điện là ngành công nghệ cao.
Trong các yếu tố có khả năng tác động tới năng suất lao động có thể thấy một số yếu tố nổi bật như: - Lao động có trình độ cao: những doanh nghiệp có tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên càng cao thì năng suất lao động càng cao.
Nguồn gốc thiết bị: những doanh nghiệp sử dụng thiết bị có nguồn gốc từ các nước phát triển (Mỹ, châu Âu) có năng suất lao động cao hơn những doanh nghiệp sử dụng thiết bị có nguồn gốc từ những nước đang phát triển. - Đầu tư cho nghiên cứu - phát triển: các doanh nghiệp có triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu - phát triển và có đầu tư cho hoạt động nghiên cứu - phát triển có năng suất lao động cao hơn những doanh nghiệp không chú trọng tới hoạt động này. - Năng lực thiết bị (bao hàm yếu tố công nghệ của thiết bị): doanh nghiệp càng được đánh giá cao về năng lực thiết bị so với mức độ trung bình của ngành cho thấy năng suất lao động cao hơn.
- Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin: doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin càng cao thì năng suất lao động càng cao.
- Hệ thống quản lý và cải tiến năng suất chất lượng: doanh nghiệp có áp dụng hệ thống quản lý và cải tiến năng suất chất lượng sẽ có năng suất lao động cao hơn năng suất lao động của doanh nghiệp không có hệ thống quản lý và cải tiến năng suất chất lượng nào.
Những vấn đề cản trở tăng năng suất lao động Thông qua điều tra doanh nghiệp, có thể nhận thấy các vấn đề gây cản trở tăng năng suất lao động nhìn từ góc độ các yếu tố nội tại trong doanh nghiệp như sau:
1- Nhận thức của lãnh đạo về sự cần thiết nâng cao năng suất chưa thật đầy đủ, thể hiện ở sự thiếu ưu tiên cho các mục tiêu năng suất và chưa có được chiến lược cải tiến năng suất rõ ràng.
2- Thiếu sự quan tâm đầu tư cho các dự án nghiên cứu - phát triển và cải tiến năng suất. Một phần do chưa nhận thức được sự cần thiết của việc đầu tư cho các hoạt động này, một phần do sự hạn chế về nguồn lực.
3- Thiếu sự đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), một phần do chưa nhận thấy rõ vai trò, lợi ích kinh tế từ việc đầu tư; một phần do doanh nghiệp quy mô nhỏ không có năng lực cho phát triển KH&CN nên phải loay hoay trong bài toán công nghệ giá rẻ; bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang còn thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn về phát triển.
4- Hạn chế trong việc xây dựng một doanh nghiệp học hỏi, thích ứng với thay đổi và áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến, đồng thời thiếu sự khích lệ người lao động trong các hoạt động cải tiến.
5- Trình độ lao động trong các doanh nghiệp còn hạn chế; bên cạnh đó, người lao động còn thiếu tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, nhận thức về pháp luật và các quy định. Doanh nghiệp khó khăn trong việc thu hút và duy trì lao động giỏi, lành nghề.
6- Doanh nghiệp quan tâm tới mở rộng, phát triển thị trường nhưng chưa thực sự nhận thức được vấn đề phát triển doanh nghiệp theo định hướng khách hàng, coi khách hàng là trung tâm để định hướng cho các hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, tạo ra một vòng luẩn quẩn: doanh nghiệp thiếu năng lực - tạo ra chất lượng thấp - không thỏa mãn được khách hàng - khách hàng rời bỏ - không sử dụng hết công suất - năng suất giảm; và luôn phải đối mặt với các vấn đề thường trực: thiếu vốn, thị trường đầu ra khó khăn, giá cả đầu vào tăng, khả năng sinh lợi thấp…
Một số gợi ý chính sách
Năng suất lao động của một quốc gia là tổng hợp năng suất lao động của tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, muốn tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế thì trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế. Vì vậy, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của từng ngành. Dựa vào kết quả điều tra và ý kiến của các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy năng suất lao động cho các doanh nghiệp Việt Nam:
Đầu tư cho KH&CN
Thực tế điều tra doanh nghiệp cho thấy, số doanh nghiệp chú trọng cho đầu tư phát triển KH&CN rất ít. Nhận thức về vai trò của KH&CN trong nâng cao năng suất cũng chưa đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các giải pháp hiệu quả cần đưa ra để nâng cao năng suất trong giai đoạn này là: phát triển thị trường hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà chưa nhìn nhận ra được KH&CN chính là nền tảng cho giải pháp trên. Kết quả phân tích cũng cho thấy, những doanh nghiệp chú trọng đến phát triển công nghệ, đổi mới và cải tiến có năng suất cao hơn hẳn những doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề này. Trong bối cảnh sự quan tâm đầu tư phát triển KH&CN ở khối doanh nghiệp không nhiều, đồng thời doanh nghiệp chưa nhận thấy tác động của các chính sách hỗ trợ về KH&CN của Nhà nước thì trong thời gian tới cần có nhiều biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH&CN, đồng thời có những chính sách tạo môi trường cho các hoạt động phát triển KH&CN, gắn kết được các nhà khoa học với doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài có hàm lượng tri thức cao và tạo điều kiện phát huy tác động lan tỏa từ doanh nghiệp nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước.
Nâng cao chất lượng và kỹ năng lao động
Số liệu từ điều tra doanh nghiệp cho thấy, lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm khoảng 16%, trung cấp nghề 21%, sơ cấp nghề 3%, chưa qua đào tạo chiếm 16%, đã đào tạo nhưng chưa có chứng chỉ là 41%. Trình độ lao động ở mỗi ngành nghề lại khác nhau. Trong điều kiện trình độ lao động thấp, thì mặc dù doanh nghiệp có thuộc nhóm ngành công nghệ cao cũng chỉ thực hiện được những mảng công việc gia công và lắp ráp giản đơn, khó có thể xâm nhập vào được những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Còn một điều đáng nói nữa là tỷ lệ đào tạo lại trong các doanh nghiệp là khá cao (34%). Nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại 100% lao động, gây ra lãng phí và tốn kém. Trong các ý kiến của doanh nghiệp, thì các vấn đề đào tạo nghề, giáo dục tác phong công nghiệp, an toàn lao động, quy phạm pháp luật là những vấn đề còn yếu kém, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức giáo dục - đào tạo.
Các doanh nghiệp nhỏ hầu hết không được đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại do thiếu vốn sản xuất
Đẩy mạnh các hoạt động năng suất trên cả nước
Thông qua điều tra về năng suất lao động của các doanh nghiệp có thể nhận định rằng, doanh nghiệp có thể nhìn thấy những rủi ro và nguy cơ trước mắt về mất thị trường, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khó khăn về tài chính, giá cả nguyên vật liệu leo thang, nhưng ít khi nhìn vào chính nội tại doanh nghiệp để nhận ra những vấn đề còn yếu kém trong quản lý, và hầu hết chưa nhấn mạnh được tầm quan trọng của cải tiến năng suất, cũng như chưa đánh giá cao những giải pháp cải tiến trong doanh nghiệp. Trong số ít ỏi những doanh nghiệp đã có mục tiêu và chiến lược năng suất, thì việc triển khai thực hiện cũng chưa được hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là chưa chuyển tải được những lợi ích của cải tiến năng suất tới người lao động, những người trực tiếp thực thi những chiến lược năng suất này. Việc chuyển tải bằng những khẩu hiệu cải tiến chưa thực sự có ý nghĩa, quan trọng nhất là người lao động nhận thấy được những lợi ích từ các nỗ lực cải tiến của họ. Điều này đòi hỏi cần có tư duy chia sẻ lợi ích, tương tự như hợp tác cùng có lợi giữa người chủ, người quản lý doanh nghiệp và người lao động.
Nhằm thúc đẩy được các hoạt động nâng cao năng suất doanh nghiệp một cách mạnh mẽ, các hoạt động thúc đẩy năng suất cần quan tâm tới các vấn đề sau:
- Tiếp tục tuyên truyền các lợi ích của việc nâng cao năng suất để tạo được sự quan tâm, đồng thuận và hợp tác của 3 bên: Chính phủ - Chủ doanh nghiệp - Người lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng văn hóa cải tiến năng suất và ý thức công nghiệp của người lao động.
- Tập trung thúc đẩy mạnh mẽ những ngành kinh tế mũi nhọn, lợi thế cao và tác dụng lan tỏa tới các ngành khác bằng cách tác động tổng hợp các chương trình hỗ trợ: chương trình ứng dụng các công cụ cải tiến liên tục, chương trình hỗ trợ về phát triển KH&CN, hỗ trợ đổi mới quản lý và quá trình, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
- Xây dựng, đào tạo và phát triển chuyên gia giỏi, hiểu biết, nhiều kinh nghiệm làm nòng cốt cho các hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng.
- Tăng cường các khóa đào tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức về pháp luật cho người lao động.
Tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Theo các ý kiến của doanh nghiệp, các vấn đề được coi là yếu tố cản trở tăng năng suất của doanh nghiệp được cho là: thiếu vốn, thị trường đầu ra khó khăn và giá cả nguyên vật liệu tăng. Tổng hợp ý kiến đánh giá của doanh nghiệp về chính sách và thể chế trong vấn đề hỗ trợ nâng cao năng suất doanh nghiệp cho thấy, khung pháp luật về đất đai, bảo hiểm xã hội, thuế và tín dụng có những yếu tố chưa thuận lợi đối với doanh nghiệp.
Theo Báo cáo về chỉ số kinh doanh của Việt Nam năm 2014 của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, đại đa số các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (95-96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ). Các doanh nghiệp nhỏ gặp vấn đề thiếu vốn sản xuất, vì vậy, việc đầu tư công nghệ và trang thiết bị hiện đại (hầu hết là phải nhập từ nước ngoài) là rất khó khăn nên rất khó tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Trong điều kiện đang thiếu những doanh nghiệp đầu tàu lớn mạnh, làm chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế thì các chính sách của Nhà nước nên tập trung thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ tiềm năng tăng trưởng về quy mô thông qua các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn phát triển kinh doanh và đặc biệt hỗ trợ thông tin, kiến thức để các doanh nghiệp có thể xây dựng được các định hướng phát triển dài hạn, đặc biệt ưu tiên phát triển doanh nghiệp trong các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong năm 2025 sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực đột phá cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
PhuthoPortal - Ngày 7/1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND công bố kết quả Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2024.
(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ mong muốn, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030
Gần 25 năm sau khi đề án Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm được chính phủ phê duyệt vào năm 2000, cho đến nay ngành KH&CN chưa có thêm một đề án đầu tư về cơ sở hạ tầng KH&CN hiện đại ở quy mô quốc gia, trong khi đó là một trong những yếu tố nền tảng để KH&CN Việt Nam có thể tạo ra những đột phá trong tương lai.
Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Sáng ngày 18/12/2024, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) chính thức khai giảng lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST.