PTO- Huyện Phù Ninh hiện có 18 xã, 1 thị trấn. Mặc dù những năm qua mạng lưới giao thông trên địa bàn đã được nhà nước quan tâm đầu tư thông qua hàng loạt các chương trình, dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn (GTNT), song đến hết năm 2013 tỷ lệ cứng hóa đường giao thông bình quân chung của toàn huyện mới đạt 40,3%. Thế nhưng trên thực tế nhiều xã tỷ lệ này rất thấp (dưới 30%) và đến nay 18/18 xã trong huyện chưa đạt được tiêu chí giao thông trong nông thôn mới (NTM).
Đặc tả Liên Hoa
Nằm cách trung tâm huyện gần 20km, xã Liên Hoa có 1.200 hộ/3.800 khẩu, với thu nhập chính là trồng trọt và chăn nuôi thì đường giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá nông sản, đẩy mạnh sản xuất. Đây cũng là xã có diện tích đất nông lâm nghiệp lớn, địa hình phức tạp xen kẽ nhiều đồi núi, dân cư ở thưa thớt, suất đầu tư cho giao thông lớn, trong khi nguồn nội lực có hạn, kinh phí hỗ trợ làm đường bê tông hàng năm nhỏ giọt, năm có năm không, vì thế tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa ở đây rất khiêm tốn: Dưới 10%. Toàn xã chỉ có 3/56km đường GTNT được cứng hóa bằng bê tông xi măng từ trước năm 2012, còn lại hơn 90% là đường đất bám theo các sườn đồi và đường đất kết nối giữa các khu dân cư, hễ mưa xuống là mặt đường lầy thụt, nhão nhoét. Ngay trên tuyến đường trục chính chạy qua trung tâm xã đi các khu: 4, 3, 2, 1 dài trên 3km, mặc dù đã được mở rộng nền từ trước năm 2010 song đến nay vẫn là đường đất chưa được nâng cấp, mặt đường lồi lõm sống trâu rất khó đi. Phản ánh với chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Thới- cán bộ xã Liên Hoa cho biết: “Không nói đâu xa, ngay sau Tết Nguyên đán 2014 mưa kéo dài hàng tuần khiến mạng lưới giao thông trong xã gần như tê liệt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Do nền đường quá trơn lầy, phương tiện giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ hàng hóa, cung ứng vật tư, vật liệu cho nhân dân. Giáo viên, học sinh đến trường cũng rất vất vả, thậm chí có những đoàn công tác đã lập chương trình làm việc với UBND xã song đành phải hoãn lại vì đường giao thông... Không ít đám cưới rước dâu bằng xe tắc tơ thay cho xe ô tô con. Chất lượng đường giao thông kém, bà con kêu ghê lắm, xã biết vậy nhưng lấy đâu ra kinh phí, chỉ biết kiến nghị lên trên”. Ngoài chất lượng đường giao thông kém, mạng lưới giao thông ở Liên Hoa còn bị ảnh hưởng bởi một số công trình giao thông do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ song tiến độ chậm như đường tỉnh 323E (việc thi công tuyến đường này còn làm ảnh hưởng đến cả diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã). Trước mắt để khắc phục những khó khăn trên, Đảng ủy chính quyền xã Liên Hoa đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công các tuyến đường qua địa bàn, phối hợp với đơn vị thi công xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thi công công trình. Đối với hệ thống giao thông của xã, tiếp tục huy động sức dân vào duy tu, sửa chữa nền đường trên cơ sở tận dụng các nguyên vật liệu tại chỗ (đất, đá); vận động nhân dân hiến đất mở rộng nền các tuyến đường thôn, xóm và giao cho các khu dân cư tự quản lý. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình, dự án lồng ghép cho giao thông.
Nhìn ra toàn huyện
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 10/03/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc phát triển GTNT giai đoạn 2011-2015, huyện Phù Ninh đã huy động được một nguồn lực đáng kể đầu tư cho GTNT, từng bước nâng cấp cứng hóa các tuyến giao thông trên địa bàn. Tổng vốn huy động trong 3 năm (2011-2013) đạt hơn 187 tỷ đồng (bình quân mỗi năm huy động hơn 60 tỷ đồng), trong đó Trung ương và tỉnh hỗ trợ: 131 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã đầu tư: 23,6 tỷ đồng, nhân dân đóng góp: 16,756 tỷ đồng còn lại là các nguồn khác. So với nhiều huyện thị khác trong tỉnh thì tổng mức vốn huy động như trên không lớn, tuy nhiên đến nay tỷ lệ cứng hóa đường giao thông của toàn huyện cũng mới đạt 40,3%; trong đó đường đô thị, đường chuyên dùng cứng hóa 100%, đường huyện cứng hóa đạt 55,89%; đường trục xã, liên xã cứng hóa đạt 55,7%, đường trục thôn, xóm cứng hóa đạt 52,3%; đường trục ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 50,87%. Tỷ lệ cứng hóa đường GTNT ở Phù Ninh đạt mức trung bình khá, song tỷ lệ này cũng chưa đồng đều giữa các địa phương, đa số những xã miền núi như Liên Hoa, Trạm Thản, Tiên Phú, Gia Thanh, Phú Mỹ... tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đạt thấp hơn bình quân chung (dưới 30%). Đáng chú ý 100% đường ra đồng, lên đồi, đường trục nội đồng ở 18/18 xã trong huyện đến nay vẫn là đường đất, chưa vào cấp. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Xuân Huấn- Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phù Ninh cho biết: Do đặc thù địa bàn rộng, địa hình miền núi, dân cư phân tán, suất đầu tư lớn trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế, yêu cầu của người dân về chất lượng các tuyến giao thông ngày càng bức thiết ... Chính vì vậy mà quá trình đầu tư phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Thế nhưng khó khăn cơ bản nhất vẫn là thiếu nguồn lực đầu tư, hiện nay trên địa bàn huyện đang có tới 19 công trình đường GTNT và một số công trình cầu (do UBND huyện, xã làm chủ đầu tư) thi công dở dang vì thiếu vốn như: Công trình cải tạo nâng cấp đường GTNT các xã: Liên Hoa, Gia Thanh, Trạm Thản, đường liên xã Bảo Thanh- Hạ Giáp, Gia Thanh- Bảo Thanh... Cũng do nguồn lực hạn chế nên những năm qua huyện chủ trương ưu tiên đầu tư cho các tuyến huyện lộ, đường trục xã, đường thôn xóm nhằm đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa, nhưng thực tế nhiều xã đường giao thông vẫn rất lầy lội khó đi khi thời tiết xấu, mưa nhiều.
Những giải pháp
Trước thực trạng thiếu vốn đầu tư khiến nhiều tuyến giao thông thi công kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và công tác đảm bảo ATGT, huyện Phù Ninh đã thống kê, báo cáo với UBND tỉnh để tìm biện pháp tháo gỡ. Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ đầu tư từ trên, huyện tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát huy nguồn lực đóng góp của dân để duy tu sửa chữa đường giao thông trong các thôn xóm. 100% các xã, thị trấn trong huyện đều xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng của địa phương dựa trên cơ sở nguồn vốn tự có và sự huy động đóng góp trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra huyện tích cực khai thác sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn tạo thêm nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện tốt kế hoạch đề ra.
Để phong trào làm GTNT phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, huyện Phù Ninh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phát động nhân dân xây dựng đường GTNT theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” ở cả 19/19 xã, thị trấn với sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể như: Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh… Các địa phương trong huyện cần tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chủ động khai thác tối đa nguồn nội lực, lồng ghép các chương trình dự án cho giao thông, kết hợp phong trào làm đường giao thông với xây dựng nông thôn mới nhằm huy động thêm các nguồn lực đầu tư nâng cấp các tuyến đường. Về lâu dài để việc đầu tư nâng cấp đồng bộ mạng lưới GTNT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, huyện Phù Ninh đang rất cần được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện, đường liên xã, đường thôn xóm. UBND tỉnh cũng nên có cơ chế ưu tiên phân bổ xi măng cho những xã có tỷ lệ mặt đường cứng hóa thấp. Đối với những tuyến giao thông qua địa bàn như tuyến: TL 323D, 323E thời gian thi công kéo dài, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.... đề nghị các chủ đầu tư tích cực hơn nữa trong công tác chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hạn chế những bức xúc trong nhân dân.
Việc ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan là kết quả nỗ lực chung của cả hai Bên trong việc mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai Nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng thế mạnh và tiềm năng của Việt Nam và Phần Lan để cùng mang lại lợi ích cho các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp và người dân hai Nước.
Bản ghi nhớ hợp tác về khoa học và nghiên cứu giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Giáo dục, Khoa học và Nghiên cứu của Liên bang Áo nhằm cam kết mở rộng hợp tác về KH&CN trong các lĩnh vực hai Bên quan tâm, ngoài các lĩnh vực đã hợp tác thời gian qua như an ninh mạng, nông nghiệp và y tế.
Sáng ngày 14 - 10, Tỉnh ủy Phú Thọ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng và thành lập cơ quan các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy.
“Đảng Cộng sản Cuba cũng rất ủng hộ việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cuba, đặc biệt, trong những vấn đề mà hai nước ưu tiên quan tâm để cùng nhau nghiên cứu, tìm ra giải pháp, nâng cao hiệu quả hợp tác một cách cụ thể hơn”.
Ngày 8-10, dưới sự chủ trì của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy: Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo sơ kết giữa nhiệm kỳ, hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 (khóa XVIII) đã thảo luận và cho ý kiến vào các báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ