Để đạt được các chỉ tiêu về khoa học-công nghệ đề ra trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, rất cần sự chủ động, tích cực, nỗ lực của thanh niên và các tổ chức Đoàn trong truyền cảm hứng, tạo động lực cho thanh niên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Sáng 22/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”.
Tạo kênh riêng cho lực lượng trẻ tham gia nghiên cứu khoa học
Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ xác định: Đến năm 2030, tăng 15% số thanh niên được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; tăng 15% số công trình khoa học và công nghệ do thanh niên chủ trì; tăng 10% số thanh niên làm việc trong các tổ chức khoa học, công nghệ (so với năm 2020).
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để hiện thực hóa các mục tiêu trên trước hết cần phải có đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ.
Đồng thời, phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; đầu tư thích đáng; tạo hệ sinh thái để khuyến khích mạnh mẽ phong trào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong bất kỳ các lĩnh vực nào, nhất là của thanh niên.
“Bên cạnh chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước rất cần sự chủ động, tích cực, nỗ lực của thanh niên và các tổ chức đoàn trong truyền cảm hứng, tạo động lực cho thanh niên. Chúng ta tạo được phong trào thì sẽ có các hạt nhân và các hạt nhân sẽ thúc đẩy phong trào”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc tới một số điển hình thanh niên tiêu biểu đã đạt được những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học, Thủ tướng mong muốn các đoàn viên, thanh niên Việt Nam tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, nhiệt huyết, cảm xúc đối với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, khẳng định đây là một động lực mới cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao lưu, trò chuyện với các đại biểu thanh niên tham dự Hội nghị đối thoại. (Ảnh: VGP) |
Chia sẻ về nội dung này, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh những chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là thử thách lớn cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn viên, thanh niên, đòi hỏi sự đồng hành để vượt qua thách thức, đạt được chỉ tiêu đề ra.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Thủ tướng ban hành Nghị quyết về thu hút, sử dụng đội ngũ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là lực lượng trẻ, và hiện đang tích cực xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn. Các nhà nghiên cứu trẻ tâm huyết, say mê khoa học-công nghệ sẽ có điều kiện để tham gia chủ động, tích cực vào nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ vào đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho đất nước.
Bộ trưởng cho biết thêm, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia được Chính phủ bố trí kinh phí rất tốt và tạo cơ chế vận hành tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Hiện nay, có 2 chương trình phục vụ cho các nhà nghiên cứu trẻ dưới 35 tuổi là Chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản và Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học-công nghệ của cán bộ khoa học trẻ. Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng quan tâm hơn nữa trong tạo điều kiện cho Quỹ, đặc biệt là về nguồn lực, cũng như tạo kênh riêng cho lực lượng trẻ tham gia nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đang được giao một nhiệm vụ quan trọng và nhiều thử thách là dự thảo Đề án Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, hiện đã cơ bản hoàn thành, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đề án này đề xuất chia ra 8 nhóm tri thức, trong đó có nhóm tri thức trẻ trong độ tuổi thanh niên như các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đam mê nghiên cứu khoa học.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ kỳ vọng, Chiến lược này sắp tới được Thủ tướng phê duyệt sẽ tạo thuận lợi, thiết thực nhiều hơn cho đội ngũ thanh niên tham gia làm khoa học.
Nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
Tại Hội nghị, đại diện thanh niên cũng chia sẻ những khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở của thanh niên công nhân - những người vốn có nhu cầu rất lớn về nhà ở nhưng điều kiện kinh tế thì có hạn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà ở cho thanh niên công nhân và lao động trẻ ở các địa phương, cũng như có chính sách hỗ trợ về lãi suất hoặc không lãi suất để thanh niên công nhân có thể mua được nhà ở xã hội.
Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu “an cư lạc nghiệp”, khẳng định nhà ở là rất quan trọng với mỗi người. Với thanh niên, từ lúc ra trường, điều lo lắng nhất vẫn là về chỗ ở, ổn định việc làm, và đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.
Thủ tướng nêu rõ thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chính sách tiền lương. Các cơ quan cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho các đối tượng chính sách, người có công.
Trong đó, nghiên cứu các hình thức mua, thuê, thuê mua, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp… để hỗ trợ cả “đầu vào” (những doanh nghiệp đầu tư, phát triển, xây dựng nhà ở) và “đầu ra” (người mua, thuê, thuê mua nhà) nhằm phát huy nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là những người vừa ra trường, các bạn trẻ. Thủ tướng khẳng định tinh thần là giải quyết từng bước nhưng căn cơ vấn đề này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu thanh niên dự Hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Chia sẻ thêm về vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Gần đây nhất, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững”.
Sau hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, những mục tiêu, giải pháp đầu tư về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua đã được Chính phủ rất quan tâm và cụ thể hóa thông qua các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Với nhóm nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, Thủ tướng chỉ đạo phải khẩn trương sửa đổi và sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới. Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được thông qua vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ 1/7/2024.
Trong thời gian trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ sẽ trình Quốc hội một Nghị quyết thí điểm đầu tư phát triển nhà ở xã hội với nhiều tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, trong đó có những khó khăn liên quan đến vấn đề dành quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; vấn đề liên quan ưu đãi, tiến triển sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin thêm, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, trong thời gian qua, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2% để các chủ đầu tư đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội cũng như hỗ trợ người mua trong thời gian tới.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhằm thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đối với các chính sách thúc đẩy chính sách phát triển nhà ở xã hội có 2 gói hỗ trợ gồm: gói 40 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi 2% để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; gói 15 nghìn tỷ đồng giao Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vay, trong đó có đối tượng thanh niên công nhân trên toàn quốc vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thứ trưởng Xây dựng khẳng định, đây là những chính sách rất cụ thể và thiết thực để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội vay vốn mua nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân có nhà ở để họ yên tâm công tác và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo most.gov.vn
Đổi mới sáng tạo trong y tế đề cập đến việc phát triển và áp dụng các ý tưởng, công nghệ, quy trình và giải pháp mới cải thiện chất lượng và thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học trong y học. Sự đổi mới sẽ giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động chăm sóc sức khoẻ, diễn ra trong tất cả các khâu từ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm và thiết bị y tế.
Đó là phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” (Techconnect and Innovation VietNam 2024) . Sự kiện do Bộ KH&CN phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức chiều 30/9/2024, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024).
Chiều 30/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024” (Techconnect and Innovation VietNam 2024)
Chiều tối ngày 26/9 (giờ Việt Nam), tại Thụy Sĩ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2024 - GII) năm 2024. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện.
Với mục tiêu thiết kế và chế tạo được hệ thống thiết bị cơ giới hóa và tự động hóa đồng bộ phục vụ các khâu sản xuất, vận chuyển, thu hoạch hành tím; xây dựng hệ thống vườn sản xuất hành tím công nghệ cao phù hợp với quy mô hộ gia đình và hợp tác xã, tương thích với điều kiện trồng tại Tây Nam Bộ (TNB), PGS.TS Cao Hùng Phi cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật Vĩnh Long
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ luôn đồng hành cùng Thừa Thiên Huế và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các hoạt động để gia tăng hơn nữa đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của đất nước.