Tăng cường triển khai Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN tại các Sở KH&CN
Ngày 10/12/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức phiên họp đánh giá nền tảng Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (STM) với các Sở KH&CN. Phiên họp được diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Toàn cảnh Phiên họp.
Phát biểu khai mạc, ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH&CN tại Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2023, trong thời gian vừa qua, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin triển khai thử nghiệm Hệ thống STM tại 14 Sở KH&CN các tỉnh/thành phố (gồm: Bình Dương, Bình Định, Bình Thuận, Đồng Tháp, Kon Tum, Lào Cai, Long An, Nam Định, Phú Yên, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Sóc Trăng). Hệ thống STM là sản phẩm của Đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 "Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử" (Mã số KC.01/16-20). Hệ thống đã được triển khai tại Bộ KH&CN để hỗ trợ công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, đặc biệt hỗ trợ hiệu quả trong quản lý các nhiệm vụ thuộc Chương trình Nghị định thư.
Theo đó, Phiên họp được tổ chức nhằm đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng thử nghiệm hệ thống STM và đề xuất, kiến nghị hỗ trợ cho các Sở KH&CN trong cả nước trong thời gian tới. Kết quả đánh giá này sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để triển khai hệ thống STM tại các Sở KH&CN một cách hiệu quả; đồng thời góp phần hình thành một Nền tảng hỗ trợ quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, nhằm kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN.
Ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin phát biểu tại Phiên họp.
Báo cáo kết quả triển khai phần mềm hỗ trợ quản lý nhiệm vụ KH&CN, ông Vũ Văn Phán, Trưởng phòng Phần mềm, Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, đến nay, phần mềm đã cung cấp đầy đủ các quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN (đề xuất xác định nhiệm vụ, tuyển chọn/giao trực tiếp, thực hiện hợp đồng); đã khởi tạo sử dụng hệ thống: 14 Sở KH&CN; cấp và phân quyền cho 68 tài khoản; số lượt cán bộ truy cập là 35.973 lượt; tổng số thông báo kêu gọi đề xuất là 54; tổng số thông báo tuyển chọn/giao trực tiếp là 20; tổng số Hội đồng là 21; tổng số hồ sơ (đề xuất/tuyển chọn) là 93.
Ông Vũ Văn Phán, Trưởng phòng Phần mềm, Trung tâm Công nghệ thông tin báo cáo tại Phiên họp.
Tại Phiên họp, đại diện của 14 Sở KH&CN các tỉnh, thành phố đang triển khai thử nghiệm hệ thống STM đã tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hệ thống; đồng thời đưa ra những kiến nghị và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm triển khai hiệu quả và hoàn thiện hệ thống như tổ chức các buổi tập huấn sử dụng phần mềm, cách thức khai thác hiệu quả hệ thống chuyên gia, kết nối hệ thống STM với các nền tảng khác của tỉnh và hệ thống quốc gia…
Đại diện các Sở KH&CN phát biểu tại Phiên họp.
Phát biểu kết luận, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia cho biết, hiện tại, hệ thống đã hoàn thiện nhiều tính năng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và cải thiện, đặc biệt liên quan đến việc cập nhật thông tin và hồi tố.
Ông Đào Mạnh Thắng đề nghị, các Sở KH&CN tiếp tục chỉ đạo các đồng chí tham gia quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở chủ động khai thác, sử dụng và triển khai hệ thống để phục vụ công tác chuyên môn và hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số của các địa phương. Đồng thời, cam kết sẽ đồng hành cùng các Sở KH&CN trong suốt quá trình triển khai nhằm đảm bảo việc quản lý và triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở được thực hiện thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Đào Mạnh Thắng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Cục Thông tin KH&CN quốc gia và Trung tâm Công nghệ thông tin sẽ phối hợp nghiên cứu và đề xuất tổ chức buổi tập huấn sớm nhất để hỗ trợ các Sở KH&CN sử dụng phần mềm, triển khai hệ thống một cách hiệu quả.
Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia phát biểu kết luận Phiên họp.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, điểm yếu về công nghệ của Việt Nam là phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, vì vậy cần tự cường, tự chủ, phát triển công nghệ lõi.
PhuthoPortal - Ngày 13/1/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới hơn 15.000 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 978.500 đại biểu tham dự. Tại tỉnh Phú Thọ, hội nghị được kết nối từ điểm cầu cấp tỉnh đến 17 điểm cầu cấp huyện, đảng bộ trực thuộc, 213 điểm cầu cấp xã và đơn vị với gần 11.000 cán bộ, đảng viên tham dự.
Ngày 09/01/2025, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia với 2 mục tiêu và 7 nhiệm vụ cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu.
Ngành Khoa học và Công nghệ tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm, từ hoàn thiện khung pháp lý đến phát triển nhân lực, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (NQ 57) được nhà khoa học kỳ vọng tạo luồng gió mới thúc đẩy sức sáng tạo trong cộng đồng nghiên cứu.
Các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở giáo dục đại học đăng ký là tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) và các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động R&D sẽ được xác định rõ ràng, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức KH&CN.