Người dân các địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp (Ảnh chụp tại mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà mạng tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông)
Tỉnh Phú Thọ hiện có trên 297 nghìn ha đất nông nghiệp có thể phát triển nhiều vùng chuyên canh, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Trong đó, điều kiện về đất đai, khí hậu rất thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều loại sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú như: lúa, rau màu, chè, cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản nước ngọt… Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khả năng sản xuất nông nghiệp của tỉnh rất lớn, một số sản phẩm chủ lực như: Cây lúa cho sản lượng 455 ngh.n tấn/năm; cây ngô cho sản lượng đạt 87 ngh.n tấn/năm; sản lượng chè búp tươi đạt trên 172 nghìn tấn/năm; sản lượng bưởi đạt trên 10 nghìn tấn/năm; sản lượng rau các loại đạt trên 200 nghìn tấn/năm, quy mô diện tích, chất lượng bảo đảm, đáp ứng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII về phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học và công nghệ cao, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, những năm gần đây, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động; đồng thời, tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai và nghiên cứu dự án đầu tư vào địa bàn; nghiên cứu, vận dụng tốt các chính sách của Trung ương; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng và ban hành một số chính sách mới, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực NNCNC sẽ được tỉnh hỗ trợ về nhiều mặt như: Hỗ trợ 30% kinh phí (không quá 1 tỷ đồng) xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ 50% kinh phí (không quá 2 tỷ đồng) xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi gia súc, gia cầm (bò thịt chất lượng cao, lợn thịt, lợn giống, gà giống); hỗ trợ 50% kinh phí (không quá 1 tỷ đồng) xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi thâm canh thủy sản tập trung liền vùng và các dự án trồng rau, củ, quả…
Bên cạnh đó, hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc khi đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, trong nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC, giải pháp hữu hiệu mà tỉnh cũng đang tích cực triển khai là tập trung dồn đổi, tích tụ ruộng đất. Trên cơ sở xác định rõ thế mạnh của từng vùng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình cánh đồng lớn trồng lúa, ngô với tổng diện tích đạt 13.400ha; mô hình trồng cây ăn quả có múi (bưởi, cam, chanh) với quy mô lớn tại các huyện Thanh Ba, Lâm Thao, Thanh Thủy…; trồng chuối xuất khẩu tại thị xã Phú Thọ và các huyện Tam Nông, Hạ Hòa; chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi trâu, bò thịt tại Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê... Các địa phương cũng đã triển khai quy hoạch tạo quỹ đất, đầu tư hệ thống giao thông, thực hiện đồng bộ giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là đưa các loại giống mới năng suất và chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm kêu gọi đầu tư một cách bài bản, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Công ty TNHH Vườn nấm MiNaKaMi đầu tư sản xuất nấm theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản tại xã Sơn Vy, huyện Lâm Thao
Toàn tỉnh hiện có 45 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ở các lĩnh vực từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản đến chế biến thức ăn gia súc, sơ chế sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại đã có nhiều khởi sắc như: Công ty TNHH DTK đầu tư nhà máy sản xuất trứng gà sạch tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông; Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông; Công ty TNHH MTV gia cầm Hòa Phát Phú Thọ với dự án chăn nuôi gà giống và đẻ trứng thương phẩm tại xã Đồng Lương, Sơn Tình, huyện Cẩm Khê... Việc liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng được triển khai mạnh mẽ như: liên kết sản xuất rau an toàn, sản xuất cây ăn quả (bưởi Diễn, ổi, chanh) cung cấp sản phẩm cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển nông nghiệp VinEco; liên kết sản xuất lúa chất lượng cao J02 với Công ty cổ phần Vật tư giống công nghệ cao Việt Nam; liên kết sản xuất, thu mua rau củ quả (dưa chuột, dưa bao tử, ớt,...) với các doanh nghiệp Tân Trường Sơn, Công ty cổ phần Hagimex...
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Phú Thọ ưu tiên triển khai các dự án phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung (chè, cây ăn quả, rau các loại, lương thực) sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng rừng kết hợp trồng cây dược liệu, chế biến gỗ HDF, MDF; xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn, chất lượng cao; nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất giống vật nuôi; cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản tập trung và sản xuất giống thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh…
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản bình quân đạt từ 3,5-4,0%; hình thành các vùng nông nghiệp UDCNC và đầu tư xây dựng hạ tầng khu NNCNC tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ hiện đang tập trung rà soát, đổi mới cơ chế chính sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm khai thác tiềm năng, huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; phát triển vùng nông nghiệp UDCNC, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao giá trị bền vững cho nền nông nghiệp của tỉnh.