Hội thảo ARF về tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển

Đây là hoạt động đầu tiên triển khai Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ARF (tại Viên-chăn, Lào năm 2016) về tăng cường thực thi luật pháp trên biển, với mục đích trao đổi, tăng cường đối thoại nhằm đảm bảo an ninh biển ở khu vực.

Tham dự Hội thảo có khoảng 80 quan chức, chuyên gia, học giả về an ninh biển đến từ 22 quốc gia và các tổ chức quốc tế; đại diện các bên đồng chủ trì hội thảo là ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN, Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Robert McKinnon, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Úc phụ trách các vấn đề Chính sách chiến lược Úc và ông Lucas Cibor, Phó trưởng Phái đoàn EU tại ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng tham dự khai mạc và phát biểu dẫn đề tại Hội thảo. Đề cập đến việc giải quyết các thách thức đang đe dọa đến pháp luật và trật tự trên biển, bao gồm gia tăng tội phạm trên biển, cướp biển, cướp có vũ trang, buôn bán ma túy, buôn người diễn ra thường xuyên, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định diễn biến phức tạp…, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng thực thi pháp luật trên biển và sự cần thiết của việc hợp tác giữa các cơ quan này để kiểm soát, ngăn chặn và ứng phó với các thách thức trên. Việc thực thi hiệu quả các nghĩa vụ của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển không chỉ đóng góp vào việc theo đuổi các lợi ích hàng hải quốc gia trong ba khía cạnh của an ninh hàng hải, an toàn hàng hải và phát triển nguồn lợi hải biển mà còn đảm bảo rằng những điều này được thực hiện theo luật pháp quốc tế.

Ở khu vực, hợp tác thực thi pháp luật là một phần trong nỗ lực đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, đặc biệt là tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ARF, ADMM Plus, EAS, EAMF… Tuy nhiên, việc hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển còn gặp một số khó khăn như các quốc gia có thể chế về lực lượng thực thi pháp luật trên biển khác nhau, các tranh chấp về biển và lãnh thổ còn tồn tại trong khu vực… Điều kiện tiên quyết để hợp tác tốt giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển là niềm tin giữa các bên. Niềm tin này được xây dựng dựa trên các biện pháp được đưa ra tại các diễn đàn như ARF và các cơ chế khu vực khác.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Diễn đàn khu vực ASEAN về tăng cường hợp tác khu vực trong thực thi pháp luật trên biển lần này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hướng đến mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn cho mọi vùng biển và đại dương, khẳng định cam kết của các bên tham gia đối với việc xây dựng một trật tự khu vực dựa trên pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng phát biểu dẫn đề tại Hội thảo
 
 Với tinh thần trên, các đại biểu thảo luận, trao đổi quan điểm, cập nhật và làm rõ bức tranh an ninh biển ở khu vực. Các đại biểu có nhận định chung là an ninh biển ở khu vực có tính chất phức tạp, đa diện, đa tầng lớp, nên việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định biển cần có sự hợp tác của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển để đối phó với nhiều vấn đề an ninh biển phi truyền thống. Để triển khai hiệu quả, cần phải có cách tiếp cận toàn diện, không chỉ đơn thuần hợp tác triển khai chấp pháp mà cần có các biện pháp răn đe, ngăn ngừa tội phạm cũng như tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các thách thức đang tồn tại. Đồng thời, đối phó với các thách thức mới cần có sự tương hỗ giữa các cơ quan chức năng liên quan khác nhau cũng như nỗ lực chung của chính phủ và người dân, đặc biệt là trong phòng chống đánh bắt cá trái phép, bảo vệ môi trường biển và các tội phạm xuyên quốc gia.

Để có cơ sở triển khai hợp tác khu vực trong thực thi pháp luật, việc duy trì trật tự, thượng tôn pháp luật cũng như hài hòa hóa khuôn khổ pháp lý là cần thiết. Tuy nhiên, từ thực tế hợp tác tại các khu vực khác trên thế giới, như hợp tác của EU tại Địa Trung Hải hay Diễn đàn Cảnh sát biển Bắc Thái Bình Dương tại Bắc Cực cho thấy đây là tiến trình cần nhiều thời gian. Đa số các đại biểu cho rằng việc cụ thể có thể làm trước mắt là chia sẻ thông tin và hợp tác nâng cao năng lực, qua đó xây dựng lòng tin cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho các cơ quan thực thi pháp luật hoàn thành nhiệm vụ, từ đó làm động lực hướng tới hợp tác sâu rộng hơn.

Kết thúc Hội thảo, ba bên đồng chủ trì nhất trí kiến nghị tiếp tục duy trì đối thoại về hợp tác thực thi pháp luật trên biển trong khuôn khổ ARF, đóng góp vào hợp tác an ninh biển nói chung, là lĩnh vực hợp tác ưu tiên đã được xác định trong Kế hoạch Hành động Hà Nội triển khai Tầm nhìn ARF, trong nhiệm kỳ 2018-2020.

Diễn đàn Khu vực ASEAN được thành lập từ năm 1994, với mục tiêu chính là xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại trong khu vực với ASEAN làm trung tâm. Hiện tại, có tổng cộng 27 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự diễn đàn này. Việt Nam là một trong số các thành viên sáng lập của Diễn đàn này./.