Thí sinh kiểm tra niêm phong đề thi trước khi làm bài tại điểm thi THPT Xuân Áng (huyện Hạ Hòa)
Những ngày qua, vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang và Sơn La đã gây chấn động cả nước khi nhiều cán bộ trực tiếp tham gia vào khâu chấm thi đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Điều này đã gây hoang mang dư luận và nhiều người đã hoài nghi kết quả thi THPT quốc gia liệu có phản ánh thực chất kết quả dạy và học của các thí sinh? Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương, nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh về việc rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Sở GD&ĐT đã tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia gồm: Công tác chuẩn bị kỳ thi, in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao đề thi; đặc biệt là công tác coi thi tại các điểm thi; bàn giao bài thi, hồ sơ thi; công tác làm phách bài thi tự luận; công tác chấm thi; thanh tra, lưu trữ bài thi, hồ sơ thi… Đến ngày 30/7/2018, công tác rà soát đã hoàn tất.
Qua rà soát cho thấy, tại Hội đồng thi số 15 do Sở GD&ĐT Phú Thọ chủ trì phối hợp Trường Đại học Giao thông vận tải và Trường Đại học Hùng Vương tổ chức thi với 13.755 thí sinh đăng ký dự thi tại 39 điểm thi ở 13/13 huyện, thành, thị. Về công tác tổ chức, mỗi điểm thi đảm bảo nhân sự theo quy chế, gồm 1 Phó
Trưởng điểm thi và ít nhất có 1 cán bộ giám sát của trường đại học. Số cán bộ coi thi được huy động là gần 2.400 thành viên là cán bộ, giáo viên các trường THPT trong tỉnh và cán bộ, giảng viên của 2 Trường Đại học Giao thông vận tải và Trường Đại học Hùng Vương, đảm bảo mỗi phòng thi có 1 cán bộ giảng viên của trường đại học và 1 giáo viên của trường phổ thông. Công tác coi thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không có sai sót trong quá trình tổ chức coi thi. Không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.
Các giám thị kiểm tra Thẻ dự thi của thí sinh trước khi vào phòng thi
Về công tác tổ chức chấm thi, tổng số bài thi đã chấm: Môn Ngữ văn có 13.511 bài; môn Toán có 13.633 bài; Ngoại ngữ có 12.123 bài; Khoa học tự nhiên có 3.2518 bài và Khoa học xã hội có 10.689 bài.
Công tác chấm bài thi trắc nghiệm cũng như bài thi tự luận được thực hiện theo đúng theo Quy chế của Bộ GD&ĐT. Các Ban của Hội đồng thi phối hợp chặt chẽ trong công tác chấm, đảm bảo khách quan, nghiêm túc. Công tác bảo vệ, bài thi được bảo vệ nghiêm ngặt, khoa học, được giữ trong các hòm sắt, tủ sắt có khóa riêng, được niêm phong theo đúng quy định.
Ngoài ra, Sở cũng rà soát lại tất cả những bài thi có điểm cao. Cụ thể: Đối với bài thi môn Ngữ văn: Kiểm tra, rà soát 256 bài thi có điểm từ 8,5 trở lên (đối chiếu giữa điểm thông báo với điểm trên biên bản thống nhất của cán bộ chấm thi). Kết quả 256 bài đều không có sai lệch.
Đối với những bài thi trắc nghiệm khách quan gồm: Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Sở GD&ĐT đã tiến hành đối chiếu file ảnh bài thi gốc đã quét lưu trong máy tính (được niêm phong) với kết quả nhận dạng ảnh phần mềm của 273 bài thi có điểm 9,0 trở lên. Kết quả, tất cả những bài được kiểm tra đều trùng khớp giữa việc tô bài làm của thí sinh với kết quả nhận dạng ảnh của bài thi.
Đối với các bài thi phúc khảo, Hội đồng Phúc khảo điểm thi của tỉnh đã chấm 226 bài thi, kết quả có 6 bài thay đổi điểm. Trong đó môn Ngữ văn, có 3/54 bài thay đổi điểm. Nguyên nhân do giám khảo chấm sót ý. Điểm số tăng không đáng kể là 0,25 điểm. Môn Tiếng Anh, có 3/35 bài thay đổi điểm do thí sinh tô nhầm mã đề. Không có thí sinh nào thay đổi kết quả tốt nghiệp so với trước phúc khảo.
Ông Nguyễn Minh Tường cho biết: Sau khi rà soát, tất cả các khâu trong quá trình làm thi của Phú Thọ đều thực hiện đúng quy định, quy chế thi của Bộ GD&ĐT. Không có tình trạng gian lận điểm thi tại cụm thi tỉnh Phú Thọ. Dù vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục rút kinh nghiệm, nhưng có thể khẳng định, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức thành công, nghiêm túc, khách quan, trung thực, phản ánh đúng kết quả dạy và học trên địa bàn; đồng thời giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.