Qua gần 15 năm thực hiện các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên, sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trước khi đưa ra thị trường cho đến khâu sau khi đưa ra thị trường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban hành đầy đủ. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng), cũng như hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) từ cấp địa phương cho đến Trung ương.
Những kết quả đạt được trong quá trình thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, để hướng dẫn triển khai pháp luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành 57 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền của các Bộ, ngành 201 Thông tư, 04 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phối hợp ban hành 07 Thông tư liên tịch. Cho đến nay, về cơ bản hệ thống các văn bản hướng dẫn luật nêu trên đã được hoàn thiện, góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động chất lượng, đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa của mình; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời xác định trách nhiệm và phân công hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Công tác tổ chức thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Trong công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành, sau khi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban hành, công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành được các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương cũng như các Bộ, ngành có liên quan tích cực triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức hội thảo, tọa đàm, trả lời phỏng vấn, xây dựng chuyên mục hỏi-đáp, tổ chức các lớp tập huấn, biên soạn tài liệu và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Trong công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã hoàn thiện, góp phần đổi mới nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thúc đẩy, hỗ trợ tạo động lực, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có hiệu quả; góp phần chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; khắc phục các kẽ hở của chính sách, pháp luật, ngăn ngừa, hạn chế những vi phạm pháp luật. Qua công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các Bộ, ngành, địa phương trong các năm vừa qua, nhìn chung các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đã nắm được các quy định mới của nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và nhãn hàng hóa trước khi đưa sản phẩm ra thị trường... Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các cơ sở sản xuất được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, hàng hóa nhập khẩu chính ngạch được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo chất lượng nhập khẩu phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN).
Công tác quản lý, phối hợp thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực được triển khai chặt chẽ, bài bản; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu; có sự thông tin kịp thời về chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các cơ quan quản lý nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.
Trong công tác ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và xây dựng, ban hành QCVN để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, đến nay, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã xác định, ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 để quản lý đối với lĩnh vực được phân công.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thẩm định hơn 900 dự thảo QCVN. Các Bộ quản lý chuyên ngành đã ban hành và đăng ký tại Bộ Khoa học và Công nghệ hơn 800 QCVN, trong đó có gần 300 QCVN đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2. Các QCVN này đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, đối với tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), hiện nay, hệ thống TCVN hiện hành có hơn 13.000 TCVN với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%. Hệ thống TCVN và QCVN nêu trên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ xuất khẩu để doanh nghiệp vượt qua những thách thức rào cản kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực cạnh tranh và phức tạp hiện nay.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, QCVN ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế là một công cụ quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia, như chương trình hiệu suất năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống (khí thiên nhiên CNG/LNG, pin mặt trời…), thúc đẩy sử dụng, nhiên liệu tái chế giảm ô nhiễm môi trường sinh thái (tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất làm nguyên liệu vật liệu xây dựng, giao thông vận tải), phục vụ công tác đo kiểm, đánh giá, xử lý ô nhiễm (như xử lý vụ hỏa hoạn tại Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, các khu công nghiệp tập trung sản xuất thép, nguyên liệu dệt may-da giầy…) là những vấn đề được nhà nước, xã hội, người dân quan tâm.
Trong hoạt động đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hoạt động chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp, đã đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn (Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP). Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng điều kiện quy định tại các Nghị định này (không phân biệt tổ chức sự nghiệp công lập, tổ chức KH&CN, tổ chức được thành lập theo Luật doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài thành lập theo Luật đầu tư) đều được tham gia vào hoạt động đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ Việt Nam. Tính đến ngày 30/12/2022, đã có 1.582 tổ chức đánh giá sự phù hợp được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp, trong đó có 1.075 tổ chức thử nghiệm, 240 tổ chức chứng nhận sản phẩm và chứng nhận hệ thống quản lý, 106 tổ chức giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa và 161 tổ chức kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu, biết chính xác mức chất lượng của sản phẩm do mình sản xuất hoặc mua vào. Điều đó giúp cho tổ chức giữ được uy tín và phát triển bền vững sản phẩm do họ cung cấp. Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách thích hợp để tạo ra thương hiệu quốc gia cho sản phẩm hàng hoá của mình. Thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp thông qua hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được coi là một trong những biện pháp để xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Về hoạt động hợp tác quốc tế, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế của Việt Nam với quốc tế, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện Đề án thực thi Hiệp định TBT theo Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 26/5/2005, Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ thực thi Hiệp định TBT ở Việt Nam.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về tiêu chuẩn đo lường chất lượng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT, đáp ứng các điều kiện về pháp lý cho Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO; thực thi các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định TBT của WTO; xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng đòi hỏi cấp bách của quản lý cũng như của xã hội. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia được rà soát, soát xét hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên làm cơ sở cho thuận lợi hoá thương mại, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; thiết lập và triển khai hoạt động ổn định mạng lưới cơ quan thông báo và hỏi đáp về TBT của Việt Nam nhằm đáp ứng kịp thời các nghĩa vụ về thông báo và hỏi đáp của nước thành viên WTO; bảo đảm các nghĩa vụ thực thi Hiệp định TBT ở Việt Nam; giải quyết quan ngại về hàng rào kỹ thuật trong thương mại phát sinh giữa các nước thành viên với Việt Nam và Việt Nam với các nước thành viên, cụ thể giai đoạn 2008-2022 đã thông báo 271 biện pháp kỹ thuật của Việt Nam cho các nước thành viên.
Đồng thời, nhằm mục đích tạo thuận lợi hóa thương mại hàng hóa giữa các nền kinh tế, triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các tổ chức, diễn đàn khu vực và thế giới, xúc tiến triển khai ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định/thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN, APEC, MRA song phương giữa các nước, ưu tiên ký kết MRA với các nước có giá trị hàng hoá trao đổi thương mại lớn với nước ta, ví dụ như Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai MRA về thiết bị điện - điện tử (EE MRA) trong ASEAN; các MRA song phương về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp với Nga, Ucraina, Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Bê-la-rút; Bộ Y tế tham gia ký kết các MRA về hành nghề Y; Nha khoa; Dịch vụ điều dưỡng; Thực hành tốt GMP giữa các nước ASEAN; Hiệp định về Hệ thống hài hòa ASEAN trong quản lý mỹ phẩm...
Ngoài những hiệp định/thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau ở cấp quốc gia, các tổ chức kỹ thuật (tổ chức đánh giá sự phù hợp) đã chủ động ký kết các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau hoặc Bản Ghi nhớ hợp tác với các tổ chức, cơ quan kỹ thuật nước ngoài tương ứng về thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp nhằm tăng cường sự hợp tác về kỹ thuật, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, tạo thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa các nước.
Về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trải qua quá trình hình thành và phát triển, sau nhiều năm Giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội. Giải thưởng Chất lượng quốc gia đã trở thành một hoạt động thường xuyên nhằm tôn vinh xứng đáng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chất lượng. Trong thời gian từ 2006 - 2020 đã có 1.312 lượt doanh nghiệp được trao tặng giải thưởng này, trong đó có 224 doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Các doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2006 đến nay liên tục tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương (GPEA), đến năm 2020 đã có 49 doanh nghiệp được trao giải GPEA.
Về thực hiện Chương trình năng suất, chất lượng, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” kèm theo Quyết định số 712/QĐ-TTg và triển khai có hiệu quả Chương trình này. Cả 06 dự án năng suất và chất lượng do các Bộ chủ trì và 57 dự án năng suất và chất lượng địa phương đã được phê duyệt và triển khai thực hiện. Thông qua hoạt động của Chương trình đã góp phần hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN; bước đầu hình thành đội ngũ cán bộ, chuyên gia năng suất và chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh...; gắn kết giữa khoa học công nghệ với thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Về mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc: Về mã số, mã vạch, sau hơn 25 năm hoạt động, GS1 Việt Nam đã đạt được một số thành tích đáng kể như áp dụng tốt nhu cầu sử dụng mã số, mã vạch (MSMV) trong quản lý, sản xuất, kinh doanh thương mại… của các tổ chức trong nước; cùng các bộ ngành liên quan xây dựng các văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý vững chắc phục vụ hoạt động MSMV; hoạt động của GS1 Việt Nam về cơ bản đã được triển khai theo những mục tiêu đã định, phù hợp với tình hình trong nước và tuân thủ đúng chủ trương, chính sách của GS1 quốc tế.
Đến nay, nhiều mặt hàng mang MSMV của Việt Nam với mã quốc gia 893 đang được lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam đối với các bạn hàng trong và ngoài nước. Hàng ngàn doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu tự động bằng MSMV trong quản lý sản xuất và kinh doanh thương mại mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giảm các chi phí không cần thiết. Từ năm 2006 đến năm 2021, đã cấp mới 48.785mã doanh nghiệp GS1; 57 mã Mã rút gọn (EAN8); cấp giấy xác nhận cho 1.005 mã nước ngoài và giai đoạn 2018-2021 đã cấp 724 mã phân định địa điểm toàn cầu.
Về truy xuất nguồn gốc, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 23 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc; đang triển khai xây dựng Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá Quốc gia.
Triển khai Đề án 100, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2022), trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế - xã hội của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương; Quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; Quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; Quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.
Đồng thời, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP cũng đã quy định trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý tổ chức triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức triển khai thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương.
Về việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương: Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn luật đã quy định trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ: giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động đánh giá sự phù hợp trong phạm vi cả nước; chủ trì tổ chức việc khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp; chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch kiểm tra về chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa hàng năm đối với các cơ sở kinh doanh nhiều sản phẩm, hàng hóa chịu sự quản lý của nhiều Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; xử lý vi phạm theo thẩm quyền, đưa ra cảnh báo hoặc đề nghị các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xử lý.
Các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, địa phương đã thể hiện sự phân định trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo nguyên tắc sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nào thì ngành đó quản lý. Sự phân công, phân cấp rõ ràng nên công tác tham mưu ban hành văn bản, các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được chú trọng; công tác thanh, kiểm tra không bị chồng chéo; công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng được tăng cường và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đã góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước từng bước nắm vững, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác quản lý về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã từng bước đi vào nền nếp.
Về sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong công tác thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở Trung ương và địa phương trong công tác thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được thực hiện tương đối đồng bộ, thường xuyên.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là trong công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho cán bộ các cơ quan nhà nước, tổ chức và xã hội; tư vấn, giải đáp, hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; thường xuyên rà soát và kiến nghị với các cấp, cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau, không phù hợp với thực tế hoặc không đáp ứng được các yêu cầu, cam kết về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta đã và đang ký kết hoặc gia nhập.
Những tác động tích cực của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Thứ nhất, đối với hệ thống pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua năm 2007 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta. Đạo luật này đã thay đổi toàn bộ cấu trúc của hệ thống các văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta, chuyển từ hệ thống các văn bản pháp luật đơn hành, với quy định còn thiếu tính thống nhất và đồng bộ thành một đạo luật chuyên ngành thống nhất, làm nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến quản lý và thực thi quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta.
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa và hệ thống văn bản pháp luật trước đây đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các nước để vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã khắc phục được các bất cập, tồn tại nhiều năm trong hệ thống văn bản pháp luật, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật, làm cho hệ thống văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của nước ta tiến gần hơn với hệ thống của nhiều nước trên thế giới.
Thứ hai, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội
Với vai trò là một văn kiện pháp lý quan trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kết quả thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã cho thấy các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên, sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trước khi đưa ra thị trường cho đến khâu sau khi đưa ra thị trường, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động chất lượng, đổi mới phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của mình; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời xác định trách nhiệm và phân công hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế
Việc ban hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là một bước tiến mới trong việc thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Về cơ bản, các quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã đáp ứng các yêu cầu, quy định của các Hiệp định, Hiệp ước mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh việc tuân thủ các điều ước quốc tế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các nước để vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thực sự là công cụ pháp lý quan trọng của nước ta trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia trước sức ép của các cường quốc trong quá trình hội nhập, đồng thời, tôn trọng các điều ước quốc tế về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.
Đối với các cam kết trong những thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam về cơ bản đều đã tương thích. Các nghĩa vụ mang tính bắt buộc hoặc đã được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoặc được quy định tại các Luật liên quan (Bộ luật Dân sự, Luật Hải quan…) hoặc được hướng dẫn cụ thể bằng các Nghị định quy định chi tiết và các Thông tư hướng dẫn thi hành.
Mặc dù vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa để phù hợp với hoạt động thực tiễn cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập vẫn là công việc được liên tục tiến hành. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hệ thống các văn bản pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà trọng tâm là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng cần được đánh giá một cách toàn diện để không chỉ đáp ứng các nghĩa vụ trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia mà còn phù hợp với lộ trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới./.
Theo most.gov.vn
Việc mở rộng các buổi tổ chức đào tạo chuyên gia năng suất tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo trong nước về năng suất sẽ tạo ra mạng lưới chuyên gia năng suất, từ đó thu hút các ứng viên trên toàn quốc.
Huyện Tân Sơn có gần 4.000ha chè, trong đó có tới 90% thuộc diện đang cho thu hoạch. Chè là một trong những loại cây trồng được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Những năm qua, cùng với giữ ổn định diện tích chè, Tân Sơn luôn chú trọng nâng cao chất lượng, sản xuất chè an toàn.
Là huyện miền núi, thu nhập của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Yên Lập chủ yếu trông vào nông, lâm nghiệp. Để tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân, Yên Lập đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, nâng cao giá trị nông, lâm sản.
Ngày 23/10/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến các quy định về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”.
Truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa đã và đang là nhu cầu cần thiết đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm công khai, minh bạch các thông tin về quá trình sản xuất, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm đã được gắn tem TXNG, góp phần khẳng định uy tín và nâng tầm thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ngày 17/10, tại UBND xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lương đã tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chè trên địa bàn xã Xuân Đài và xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, Tỉnh Phú Thọ.