Nhà khoa học tin Nghị quyết 57 sẽ tháo gỡ điểm nghẽn
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (NQ 57) được nhà khoa học kỳ vọng tạo luồng gió mới thúc đẩy sức sáng tạo trong cộng đồng nghiên cứu.
Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tập trung tháo gỡ nhiều cơ chế chính sách cho ngành khoa học công nghệ với quan điểm đổi mới, bảo đảm quản lý hiệu quả và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Theo đó, Bộ Chính trị cho phép thí điểm các vấn đề mới từ thực tiễn, chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và thời gian trễ trong nghiên cứu khoa học. Các cơ quan nghiên cứu được khuyến khích xây dựng cơ chế cho phép tổ chức và nhà khoa học thành lập, điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu. Ngân sách cho nghiên cứu khoa học và công nghệ sẽ thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được khuyến khích và hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi nhằm đầu tư vào chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh...
Nghiên cứu khoa học tại Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
TS Huỳnh Thiên Tài, nhà khoa học lĩnh vực hóa học, cho rằng, định hướng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu được Nghị quyết 57 đề cập là một bước tiến phù hợp với bản chất khoa học. Trong trường hợp nghiên cứu không thành công, nhà khoa học có thể dừng lại mà không phải bồi thường kinh phí. Quan trọng hơn, họ cần công bố kết quả không thành công để cộng đồng khoa học tránh lặp lại sai lầm, coi đó như bài học kinh nghiệm. Với cơ chế này, TS Tài cho rằng sẽ giải quyết vấn đề trong nghiên cứu hiện nay là nhà khoa học phải làm đủ mọi cách để đề tài được nghiệm thu theo đúng sản phẩm đăng ký ban đầu.
Về cơ chế tài chính, chuyên gia lĩnh vực hóa học cho rằng cơ chế quỹ sẽ giúp "cởi trói" cho nhà khoa học. Bởi thực tế hiện nay, các đề tài nghiên cứu dùng ngân sách phải qua quy trình đánh giá, nghiệm thu hàng năm theo từng chuyên đề rất phức tạp. Các thủ tục tài chính, kế toán cũng chiếm rất nhiều thời gian của nhà khoa học.
Từng tham gia các đề tài theo cơ chế quỹ của nhà nước và tư nhân, TS Tài cho biết cơ chế giải ngân kinh phí được thực hiện theo tiến độ công việc nhà khoa học đạt được. Hội đồng khoa học đánh giá theo kết quả từng giai đoạn đề tài để quyết định cấp tiếp kinh phí hay dừng lại. Cơ quan quản lý quỹ chỉ quan tâm kết quả cuối cùng, cho phép nhà khoa học tự chủ động trong việc sử dụng kinh phí phù hợp mục đích nghiên cứu. Điều này giúp nhà khoa học có thời gian, tập trung cho công việc chuyên môn để cho ra sản phẩm nghiên cứu chất lượng.
Bên cạnh việc đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh và chuyên gia đầu ngành, TS Tài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nhà khoa học trẻ. Ông cho rằng, những nhà khoa học trẻ tài năng cần được tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí để phát huy khả năng, sở trường. Cần có nhiều nguồn quỹ nghiên cứu để nhà khoa học trẻ dễ tiếp cận. "Tất nhiên, nhà khoa học trẻ khi nhận được tài trợ nghiên cứu cũng phải qua các bước thẩm định, đánh giá chặt chẽ", TS Tài nói. Ông đánh giá việc thực hiện cơ chế quỹ linh hoạt và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học không chỉ khích lệ tinh thần sáng tạo mà còn có thể giúp đất nước nhanh chóng bắt kịp xu hướng khoa học công nghệ toàn cầu.
Kỹ sư Lê Trung Hiếu, Giám đốc công ty công nghệ Ewater (doanh nghiệp khoa học công nghệ của TP HCM), cho biết nghiên cứu tạo ra công nghệ có đặc thù là tính rủi ro cao, nhưng nếu thành công lợi nhuận thu được rất lớn. Ông nhìn nhận, các doanh nghiệp khoa học công nghệ quy mô nhỏ và vừa tại Việt Nam có đặc điểm chung là nguồn vốn về tài chính, con người hạn chế. Do đó, khi nghiên cứu khả năng thành công lớn họ mới dám triển khai, để giảm rủi ro.
Ở góc độ chính sách, ông Hiếu đề xuất các cơ chế dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ cần có tính đặc thù riêng. Cụ thể, những doanh nghiệp trong nước khi hoạt động trong các khu công nghiệp dành riêng cho các công ty công nghệ được hưởng các ưu đãi về mặt bằng, điện, nước, thuế thu nhập thời gian đầu. Sản phẩm nghiên cứu trong nước cần được nhà nước bảo hộ, ưu tiên ứng dụng để phát triển thị trường cho doanh nghiệp ở giai đoạn đầu trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Kỹ sư công ty ông Lê Trung Hiếu lắp đặt thiết bị xử lý nước bằng công nghệ từ trường do ông nghiên cứu, thương mại hóa. Ảnh: NVCC
Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Nghị quyết số 57 tạo ra những điểm mới đột phá, dưới hình thức như một cuộc cách mạng để thay đổi từ nhận thức, nội dung, đến phương thức làm việc.
Ông Duy nhìn nhận, hiện vẫn còn các nguồn lực chưa thực sự được giải phóng, còn những điểm nghẽn kể cả về nhận thức, thể chế. "Nghị quyết số 57 như một mũi nhọn, tập trung vào việc tháo gỡ các điểm nghẽn để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động và nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", Thứ trưởng Duy nói. Trong đó quan điểm xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đầu tư lâu dài, không phải đầu tư ngắn hạn, tức là phải có độ trễ, rủi ro. Chấp nhận rủi ro, độ trễ là một sự thay đổi về nhận thức, quan điểm.
Thứ trưởng Duy nhìn nhận sự ra đời của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị là tín hiệu rất vui mừng với không chỉ riêng cộng đồng khoa học và công nghệ, cộng đồng làm chuyển đổi số mà cho cả người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực, phấn đấu để đạt được những kết quả đã đặt ra đến năm 2030 và 2045.
Việt Nam có nhiều thuận lợi khi triển khai Nghị quyết 57 về đột phá phát triên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo ông Duy, lợi thế đầu tiên là nguồn nhân lực chất lượng, có nền tảng về nghiên cứu công nghệ số. Tiếp đến, Việt Nam có quy mô thị trường lớn được coi là "bà đỡ" cho các sản phẩm khoa học công nghệ, chuyển đổi số của quốc gia. Với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, nâng tầm đối tác chiến lược với nhiều quốc gia là lợi thế lớn trong hợp tác quốc tế.
Theo Thứ trưởng Duy, Tổng bí thư với vai trò Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ là một thuận lợi giúp quán triệt toàn hệ thống chính trị khi triển khai Nghị quyết.
Tuy nhiên, ông Duy nhìn nhận việc thực hiện Nghị quyết cũng gặp những thách thức về thời gian trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh. Do đó, đội ngũ cán bộ quản lý với nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết thành các thể chế, chính sách cần thay đổi cách thức, tốc độ làm việc làm sao các cơ chế được triển khai rộng rãi toàn xã hội, đáp ứng mục tiêu đề ra.
VnExpress - Hà An
Ngành Khoa học và Công nghệ tập trung vào 9 nhiệm vụ trọng tâm, từ hoàn thiện khung pháp lý đến phát triển nhân lực, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở giáo dục đại học đăng ký là tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) và các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động R&D sẽ được xác định rõ ràng, hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức KH&CN.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cho biết, “về mặt công nghệ, chúng ta có thể đi sau thế giới rất nhiều, nhưng các tổ chức quốc tế đều ghi nhận chúng ta tiên phong về quản trị trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Ngày 10/12/2024 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức phiên họp đánh giá nền tảng Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia (STM) với các Sở KH&CN. Phiên họp được diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Vướng mắc cơ chế tài chính trong việc sử dụng là nguyên nhân khiến quỹ phát triển khoa học công nghệ của DN tồn đọng hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, cần thiết phải gỡ điểm nghẽn để DN không ngại chi, sợ chi khoản quỹ này.
Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) mang tính đặc thù, giải pháp đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia.