Tham dự hội nghị có các đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch của các tỉnh thành trên cả nước, lãnh đạo các Bộ, ngành, sở Ngoại vụ và trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

 

Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18 diễn ra vào lúc các cấp, các ngành và các địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; là dịp để các Bộ, Ban, ngành trung ương, các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong Bộ Ngoại giao đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 17 đến nay; đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn tới.

Báo cáo của Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao cho biết: Từ sau Hội nghị Ngoại vụ 17, các địa phương đã quán triệt các nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo đến văn hóa-du lịch, lao động, công tác người Việt Nam ở nước ngoài.., góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung. Các địa phương đã triển khai tốt các cơ chế hợp tác song phương, cũng như cơ chế liên vùng/liên tỉnh với các đối tác nước ngoài. Cùng với việc ký mới 119 Thỏa thuận quan hệ hợp tác cấp địa phương với các đối tác nước ngoài, các tỉnh, thành phố đã ký kết 230 Bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài nhằm tranh thủ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong công tác ngoại giao kinh tế, mặc dù kinh tế thế giới còn khó khăn nhưng thu hút đầu tư nước ngoài tại các địa phương vẫn đạt kết quả khả quan. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các địa phương đạt 51,53 tỷ USD, trong đó tiêu biểu dẫn đầu với các dự án lớn trên 1 tỷ USD như: Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bình Dương, Khánh Hòa... Bên cạnh đó, giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước đã góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, mở ra nhiều lĩnh vực và phương hướng hợp tác mới cho các địa phương. 

Về nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, mỗi năm giải ngân ước đạt khoảng 300 triệu USD với các chương trình, dự án được triển khai trên tất cả 63 tỉnh/thành. Giao lưu hợp tác cấp địa phương với các nước cũng đã góp phần mở ra nhiều lĩnh vực và phương hướng hợp tác mới cho các địa phương của ta như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu… Các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai hiệu quả công tác công tác văn hóa đối ngoại, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trong hơn hai năm qua, Việt Nam đã vận động thành công UNESCO công nhận và tái công nhận 10 di sản văn hóa của địa phương; cấp phép cho hơn 1.100 đoàn phóng viên nước ngoài đến đưa tin quảng bá, giới thiệu các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; thu hút lượng kiều hối đầu tư về nước đạt khoảng trên 26 tỷ USD. Có 52/63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của khoảng 3.600 doanh nghiệp kiều bào, trong đó tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bà Rịa- Vũng Tàu, Hải Phòng, Nghệ An, Long An, An Giang... Liên quan đến công tác biên giới lãnh thổ, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. 

 

 Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc hội nghị

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Đây là lần thứ ba Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc được tổ chức cùng Hội nghị Ngoại giao để các đại biểu địa phương có dịp tham dự Hội nghị lớn nhất của ngành ngoại giao, để chúng ta cùng nắm bắt “hơi thở” của tình hình quốc tế và khu vực, và quan trọng hơn, là cùng đề ra các biện pháp triển khai công tác đối ngoại thống nhất từ trung ương tới địa phương trong cả nước.

Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; tình hình kinh tế - xã hội của đất nước còn không ít khó khăn. Nhiệm vụ đối ngoại là rất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, và địa phương, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mở ra những vận hội mới cho đất nước. Trong thành tựu chung đó, công tác đối ngoại địa phương đã phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, đóng góp thiết thực vào thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong môi trường quốc tế đang chuyển biến rất nhanh và sâu sắc, tất cả các nước lớn, nhỏ đều đứng trước nhu cầu tăng cường hợp tác, liên kết để cùng phát triển và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định. Chúng ta đang chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ trong nền tảng kinh tế thế giới, cũng như trong tương quan lực lượng quốc tế. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng liên kết kinh tế ở nhiều cấp độ.

Trước xu thế đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra đường lối đối ngoại với mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là “giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; bảo đảm an ninh quốc gia; mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”.

Để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XII, ngành ngoại giao từ trung ương đến địa phương phải hết sức chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với tư duy đổi mới mạnh mẽ, nhạy bén, khẩn trương quán triệt, cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và các Nghị quyết đại hội Đảng bộ của địa phương thành chính sách, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với từng đối tác, trong từng lĩnh vực, nhất là về kinh tế.

Bộ Ngoại giao và các Bộ, Ban, ngành liên quan cần chủ động phối hợp, đồng hành, gắn kết chặt chẽ với các địa phương để triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại, bảo đảm đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước được thực hiện nhất quán, hiệu quả từ trung ương đến địa phương. 

Hội nghị Ngoại vụ 18 chỉ diễn ra trong một ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu cần thảo luận thực chất, hiệu quả, đánh giá thẳng thắn, khách quan về những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác đối ngoại tại địa phương hiện nay, đề ra các giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là những biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ chế phối hợp, gắn kết giữa Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương.