Sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ 2019 (Techdemo 2019) đã có 12 biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác chuyển giao công nghệ với tổng giá trị trên 500 tỷ đồng. Có 10 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư và trao ghi nhớ đầu tư của tỉnh Gia Lai với tổng kinh phí lên đến gần 20 nghìn tỷ đồng.
Thông tin trên được đưa ra tại Lễ bế mạc sự kiện Techdemo 2019 diễn ra trưa 26/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức.
Tham dự Lễ bế mạc có Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và của nền kinh tế tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&CN phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Sở KH&CN Gia Lai, cùng Sở KH&CN các tỉnh/thành phố trong cả nước tổ chức triển khai thực hiện sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ 2019.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu bế mạc Techdemo 2019.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, sau 3 ngày tổ chức từ 24-26/11, Techdemo 2019 đã hoàn thành toàn bộ các hoạt động đề ra với nội dung được đổi mới theo hướng tiếp cận đa chiều, cung cấp nhiều thông tin hơn cho doanh nghiệp. Techdemo tập trung vào giải quyết những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp đang vướng mắc cần tháo gỡ, cung cấp các thông tin nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc định hướng phát triển, đổi mới công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đặc biệt là sự kết hợp giữa hoạt động kết nối cung cầu công nghệ với các dự án xúc tiến đầu tư của tỉnh Gia Lai.
Techdemo 2019 đã tiếp nhận và xử lý 370 nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức; cung cấp thông tin 2.600 nguồn cung công nghệ trong nước và nước ngoài trên hệ thống dữ liệu công nghệ; có 360 gian hàng được giới thiệu tại sự kiện, trong đó có 160 gian trưng bày trình diễn giới thiệu trên 800 sản phẩm/quy trình/công nghệ/thiết bị nghiên cứu của 160 doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN trong nước và quốc tế. Đặc biệt, có gần 100 công nghệ đến từ các nước Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, Singapore; có 130 gian giới thiệu làng nghề truyền thống và 70 gian giới thiệu các thương hiệu sản phẩm của tỉnh Gia Lai.
Ban Tổ chức trao tặng chứng nhận cho đại diện các đơn vị tham gia Techdemo 2019.
Tại Techdemo 2019, các chuyên gia công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học và Bộ KH&CN đã tư vấn cho 310 lượt doanh nghiệp về vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực: Sở hữu trí tuệ, chế biến bảo quản nông lâm sản, cơ khí tự động hóa...
Trong khuôn khổ Techdemo 2019, Hội thảo xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư; Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp đổi mới công nghệ tại sự kiện đã thu hút 700 lượt đại biểu với các diễn giả đến từ Việt Nam, Singapore, Đức, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tại Hội thảo, diễn đàn đã cung cấp các xu hướng về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các nước, nhu cầu đổi mới công nghệ, trao đổi về nguồn lực tài chính, các nguồn thông tin về cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước và các giải pháp về đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương đã có 62/63 tỉnh thành trong cả nước tham dự với 455 đại biểu tham dự. Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhìn nhận, đánh giá hoạt động và đề xuất tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ thông qua hoạt động liên kết để phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương; nâng cao vai trò tư vấn, dịch vụ của Trung tâm đối với các doanh nghiệp trong hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Thông qua hoạt động Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ 2019, các bên tham gia kết nối cung cầu đã trao đổi, thống nhất được 12 biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác chuyển giao công nghệ với tổng giá trị trên 500 tỷ đồng. Có 10 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư và trao ghi nhớ đầu tư của tỉnh Gia Lai với tổng kinh phí lên đến gần 20 nghìn tỷ đồng.
Với các nội dung phong phú, hiệu quả, Techdemo đã thu hút trên 2.000 đại biểu trong và ngoài nước tham gia cùng với trên 10.000 lượt khách thăm quan, tham dự tìm hiểu các thiết bị/công nghệ/sản phẩm mới, tìm hiểu những thành tựu về KH&CN trong mọi lĩnh vực của đời sống và thu nhận thêm các thông tin về công nghệ, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ của nhà nước và các tổ chức nước ngoài.
Techdemo sẽ là hoạt động được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2011, nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương, giúp nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Sau chuỗi các sự kiện tại Gia Lai, Bộ KH&CN sẽ chỉ đạo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cùng với các đơn vị liên quan, doanh nghiệp tiếp tục triển khai các kết quả đã đạt được để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ cũng như tiếp tục tổ chức các hoạt động tư vấn kỹ thuật, hội thảo giới thiệu công nghệ sẵn sàng chuyển giao ở các địa phương khác trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ vẫn là hoạt động còn khó khăn, cần nhiều thời gian và nguồn lực. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn tiếp tục được sự quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa của các Lãnh đạo Bộ KH&CN, Lãnh đạo các Bộ/ngành, Lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố; sự chia sẻ, phối hợp của các viện nghiên cứu, Trường đại học, các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh và thành phố, các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế và các chuyên gia để hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của khu vực nói riêng và của đất nước nói chung.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Ngay tại Lễ bế mạc cũng đã diễn ra Lễ ký kết bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp; Ban Tổ chức trao tặng chứng nhận cho đại diện các đơn vị tham gia Techdemo 2019…
Theo most.gov.vn
baophutho.vnTrước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng không ngừng phát triển công nghệ số để gia tăng tiện ích và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ số đã trở thành một xu hướng tất yếu, giúp các ngân hàng cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ an toàn, hiện đại và tiện lợi.
baophutho.vnBắt nhịp với khoa học kỹ thuật và công nghệ số, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã chú trọng chuyển đổi số (CĐS) thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, sản xuất và kinh doanh. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường.
baophutho.vnThực hiện Đề án 06 của Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch CĐS của tỉnh, thời gian qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trong hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Ứng dụng công nghệ sinh hóa nhiệt, các nhà khoa học phát triển hệ thống xử lý rác không khí thải, tro xỉ thải, nước thải, mùi hôi, vận hành tại nhà máy xử lý rác Bắc Giang.
Dầu ăn đã qua sử dụng (UCO - Used Cooking Oil) từ lâu được xem là một loại chất thải khó xử lý. Việc vứt bỏ dầu ăn một cách không đúng cách không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, với những tiến bộ công nghệ mới, dầu ăn đã qua sử dụng có thể trở thành nguyên liệu quan trọng trong sản xuất nhiên liệu sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh, mục tiêu “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực khu vực nông thôn, miền núi” (Chương trình) vừa là vinh dự cũng vừa là thách thức. Do đó, cần xác định trúng và đúng đối tượng, hỗ trợ đúng mục tiêu, tránh dàn trải, phong trào… đảm bảo Chương trình triển khai hiệu quả và thiết thực nhất.