Mua bán thuốc tại Nhà thuốc Gia Phú
Có mặt tại một số hiệu thuốc trên đường Hùng Vương, chỉ trong vài phút chúng tôi được chứng kiến hàng chục người vào mua thuốc. Chỉ cần nói tên thuốc cần mua hay kể ra một vài triệu chứng bệnh với người bán thuốc là ngay lập tức khách hàng được đáp ứng với đủ các loại thuốc nội, ngoại khác nhau.
Anh Nguyễn Tiến Đức ở xã Hy Cương, thành phố Việt Trì - một khách hàng đến mua thuốc chia sẻ: “Con tôi rất hay bị sốt, ho, có khi một tháng bị 2 - 3 lần, đi khám nhiều cũng bất tiện nên mỗi lần cháu ốm tôi thường đến hiệu thuốc tự mua thuốc về cho con uống. Chỉ cần liệt kê với người bán thuốc một số triệu chứng bệnh là họ sẽ kê cho mình thuốc. Tôi nghĩ những người bán thuốc dù sao cũng có nghiệp vụ nên cũng không có gì băn khoăn cả”.
Việc mua, bán thuốc không có đơn đang là một trong những vấn đề phổ biến hiện nay và là thực trạng chung của cả nước chứ không riêng gì tỉnh Phú Thọ. Do tâm lý chủ quan, ngại đi khám bệnh và một phần do sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ mà thuốc có thể gây ra, nên rất nhiều người mỗi khi ốm đau, thay vì đi khám ở các cơ sở y tế lại tự ý mua thuốc điều trị theo hướng dẫn của người bán thuốc hoặc theo kinh nghiệm của bản thân. Thậm chí một số người còn lấy đơn thuốc của người khác để điều trị cho mình khi thấy các dấu hiệu bệnh tương tự.
Không chỉ mua bán thuốc không theo đơn, nhiều nhà thuốc vì mục đích lợi nhuận mà bán cả những loại thuốc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuốc nhái, hết hạn sử dụng… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân. Trước thực trạng trên, để siết chặt hoạt động kinh doanh thuốc Bộ Y tế đã xây dựng Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020”, trong đó việc ứng dụng CNTT để kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc là một nội dung trọng tâm. Mục tiêu của đề án hướng tới là tất các các cơ sở bán thuốc phải kết nối internet và quản lý hoạt động phân phối thuốc bằng phần mềm vi tính, có cơ chế chuyển thông tin về việc phân phối thuốc, chất lượng thuốc giữa nhà sản xuất với khách hàng cũng như chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc.
Bà Phan Vũ Thu Hà - Trưởng phòng Quản lý Dược - Sở Y tế cho biết: Hiện toàn tỉnh có tổng số 1.260 cơ sở bán thuốc, trong đó có 969 cơ sở bán thuốc tư nhân. Thực hiện kết nối mạng, ứng dụng CNTT tại các cơ sở cung ứng thuốc là giải pháp quan trọng, cần thiết để tăng cường quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh, cung ứng thuốc trên địa bàn. Bước đầu triển khai, Sở Y tế đã lựa chọn 12 nhà thuốc tư nhân để thực hiện. Sau khi cài đặt phần mềm và kết nối mạng internet sẽ chỉ cho phép tất cả những loại thuốc đã quản lý trong phần mềm mới được bày bán, như vậy vừa quản lý được chất lượng, số lượng thuốc, hạn chế được thuốc giả và thuốc kém chất lượng và kiểm soát được giá thuốc. Về phía người dân, khi mua thuốc cũng có thể truy cập vào phần mềm để biết được thuốc mua có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng và cách dùng như thế nào.
Sau một thời gian thử nghiệm phần mềm tại 12 nhà thuốc trên địa bàn tỉnh cho thấy, bên cạnh những lợi ích cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như: Chi phí đầu tư máy móc, đường truyền tốn kém, khả năng ứng dụng CNTT của đội ngũ nhân viên nhà thuốc còn hạn chế. Bên cạnh đó, theo Dược sỹ Chu Minh Giang - chủ nhà thuốc Gia Phú (đường Quang Trung, thành phố Việt Trì) - 1 trong 12 nhà thuốc thực hiện thí điểm phần mềm quản lý nhà thuốc thì việc cập nhật dữ liệu khá khó khăn do khối lượng dữ liệu về thuốc cần cập nhật nhiều gồm: Tên, hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, số đăng ký, số lô… trong khi vẫn phải thực hiện cùng lúc với việc phục vụ khách hàng. Đặc biệt là nhiều loại thuốc không có trong danh mục dùng chung gây khó khăn trong kinh doanh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn; đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc là một trong những nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo lộ trình, trong tháng 6/2018, Phú Thọ hoàn thành việc triển khai ứng dụng CNTT, kết nối mạng đối với các nhà thuốc trên địa bàn. Để tạo thuận lợi cho các cơ sở bán thuốc, trong quá trình ứng dụng phần mềm, đơn vị cung ứng phần mềm cần đơn giản hóa, giảm thời gian nhập liệu, đồng thời cần phải có một danh mục thuốc đầy đủ, thống nhất, được cập nhật thường xuyên… Song song với đó cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc áp dụng phần mềm tại các cơ sở cung ứng thuốc, tránh tình trạng các cơ sở mua bán nhiều nhưng chỉ nhập vào số lượng ít với mục đích chống đối cơ quan chức năng.