KH,CN&ĐMST là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng vùng Đồng bằng sông Hồng
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ 5, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh cho rằng, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN,ĐMST), chuyển đổi số và chuyển đổi xanh được coi là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ngày 14/1/2025 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (Hội đồng) chủ trì Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng, với chủ đề “Tăng trưởng 2 con số, Đồng bằng sông Hồng tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”. Hội nghị nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Hội đồng; đồng thời công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh tham dự Hội nghị và có bài phát biểu tham luận.
Toàn cảnh Hội nghị.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng kinh tế 2 con số để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của đất nước như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm.
"Nếu vùng Đồng bằng sông Hồng không tăng trưởng 2 con số thì vùng nào tăng trưởng được" - Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu các đại biểu tập trung bàn các giải pháp để tăng trưởng 2 con số với tinh thần "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng cũng nêu rõ, Hội nghị này cũng sẽ công bố Quy hoạch thành phố Hà Nội; như vậy sau một thời gian, nhất là những năm COVID-19, cả nước đã hoàn thành 111/111 quy hoạch. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các bộ, ngành. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đã có quy hoạch rồi thì phải làm đúng quy hoạch, đặc biệt là khai thác các không gian mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm… để phục vụ phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nhiệm vụ và giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, trở thành khu vực tiên phong đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Các nội dung trọng tâm bao gồm việc phát triển KH,CN&ĐMST; chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; đồng thời thúc đẩy các hoạt động liên kết để xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, thông minh và đồng bộ. Ngoài ra, Hội nghị cũng đề cập đến giải pháp phát triển các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, gắn liền với việc bảo tồn và phát huy bản sắc đặc trưng của nền văn minh sông Hồng.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố then chốt mà còn là điều kiện tiên quyết, mở ra cơ hội vàng để Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh trong kỷ nguyên mới.
Thứ trưởng nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng là khu vực kinh tế trọng điểm với tiềm lực KH,CN&ĐMST dẫn đầu cả nước. Vùng hiện có 291/552 tổ chức nghiên cứu và phát triển (chiếm hơn 50% cả nước); trên 150 trường đại học và học viện; 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; hơn 500 tổ chức KH&CN công lập và tư nhân; cùng 5/22 sàn giao dịch công nghệ thiết bị. Ngoài ra, khu vực cũng có trên 300 doanh nghiệp KH&CN. Đặc biệt, ngân sách đầu tư cho hoạt động KH,CN&ĐMST tại vùng đang không ngừng tăng trưởng.
Trong những năm qua, KH,CN&ĐMST đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh cho vùng. Các khu công nghệ cao và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đóng vai trò đầu tàu, thúc đẩy nhanh chóng việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Doanh nghiệp được xác định là trung tâm của các hoạt động KH,CN&ĐMST, trong khi công tác quản lý nhà nước về KH&CN ngày càng được cải thiện để đáp ứng các yêu cầu thực tế.
Tuy nhiên, hoạt động KH,CN&ĐMST tại vùng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Một số hạn chế còn tồn tại, bao gồm: tiềm lực KH&CN của các địa phương còn yếu; cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng nguồn nhân lực KH&CN chưa cao; khả năng ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; đầu tư tài chính cho KH&CN còn thấp. Bên cạnh đó, thị trường KH&CN trong vùng vẫn phát triển chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới trong bối cảnh hiện nay.
Thứ trưởng Hoàng Minh phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh, để vùng Đồng bằng sông Hồng thực sự vươn lên trở thành vùng kinh tế phát triển hàng đầu cả nước, cần xác định KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yếu tố then chốt. Bộ KH&CN đã đề xuất các giải pháp quan trọng, bao gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai các cơ chế thí điểm, đột phá nhằm tháo gỡ rào cản, giải phóng nguồn lực; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ sạch và công nghệ môi trường, qua đó thúc đẩy kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ; tối ưu hóa hạ tầng KH,CN&ĐMST; xây dựng chính sách để các trường đại học và viện nghiên cứu trở thành trung tâm tri thức và đổi mới sáng tạo; thành lập Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia và trung tâm dữ liệu vùng Đồng bằng sông Hồng; đồng thời phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho rằng, thực tế để các Bộ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia đã nảy sinh tình trạng chồng chéo, cùng một nội dung có hai Bộ ban hành.
Thời gian qua, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Quốc gia đã thực hiện tốt công tác chuyên môn về cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp, giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và hướng dẫn, tuyên truyền, giải đáp các vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân, địa phương các vấn đề liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp...
Trong năm 2025, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TCĐLCLQG) sẽ tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Việt Nam tại các tổ chức; phát huy và tận dụng các ưu đãi, hỗ trợ về đào tạo, hỗ trợ về nguồn lực tài chính từ các tổ chức nước ngoài cho hoạt động TCĐLCL của Việt Nam...
Ngày 20/12/2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Phú Thọ kỷ niệm 40 năm thành lập (25/12/1984 - 25/12/2024). Tới dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Duy Anh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở; các đồng chí trong Ban lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở; Các đồng chí nguyên cán bộ Chi cục qua các thời kỳ và tập thể cán bộ Chi cục
Tối 18/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2021, 2022, 2023 cho 133 doanh nghiệp và Giải Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 cho 2 doanh nghiệp. Trong số 133 doanh nghiệp có 52 giải Vàng, số còn lại nhận giải Chất lượng.
Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Quốc gia vừa có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về xây dựng kế hoạch hoạt động TCĐLCL năm 2025.