Hội nghị tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015
Ngày 10/9/2016, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị tổng kết các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cùng đại diện Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, các bộ, ban ngành và Ban chủ nhiệm các chương trình.
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, hệ thống các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước có 15 chương trình bao gồm 10 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chương trình KC), 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Trong đó, 10 chương trình KC đã phê duyệt và đưa vào triển khai 329 nhiệm vụ (257 đề tài và 72 dự án); 5 chương trình KX đã phê duyệt và đưa vào triển khai 101 nhiệm vụ.
Kinh phí đầu tư cho toàn bộ 15 chương trình trọng điểm vào khoảng 1.833 tỷ đồng. Các chương trình cũng đã huy động một lực lượng khoa học rất lớn trong cả nước với sự tham gia của trên 5.300 cán bộ khoa học, thuộc trên 1.200 cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp.
Kết quả, sau 5 năm hoạt động, các chương trình đã tạo ra cho sản xuất 23 loại giống cây mới và 25 chủng vi sinh, vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ. Các chương trình cũng đã tạo ra được 208 công nghệ mới trong đó có 55 công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất; 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình đã hoàn thiện; 161 mẫu máy móc thiết bị mới được tạo ra với 65 mẫu máy đã được hoàn thiện và được ứng dụng trong sản xuất. Bên cạnh đó, các đề tài, dự án đã tạo ra 321 loại vật liệu mới và tiến hành thương mại hóa được 73 loại sản phẩm… Tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa đạt hàng trăm tỷ đồng.
Thành công của các chương trình có thể đánh giá chung về mức độ làm chủ công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới; mức độ ứng dụng các kết quả vào phục vụ sản xuất và đời sống; đóng góp trong nâng cao tiềm lực KH&CN; hiệu quả kinh tế - xã hội của các nghiên cứu. Có thể kể đến thành công của kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, với nhiều ưu điểm so với kỹ thuật đang thực hiện tại các quốc gia tiên tiến, hay quy trình ghép khối thận - tụy từ người chết não - là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đã được các bác sĩ Việt Nam làm chủ. Việc thực hiện thành công ca ghép thận tụy lấy từ người chết não đầu tiên đánh dấu một bước phát triển của y học Việt Nam trong lĩnh vực ghép đa tạng, đặc biệt là việc lấy tạng từ người chết não. Thành công này không chỉ khẳng định mạnh mẽ sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam mà còn góp phần hiện thực hóa Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Trong lĩnh vực y, dược đã có khoảng gần 100 quy trình công nghệ được chuyển giao áp dụng ngay trong các bệnh viện. Một số vắc - xin và thuốc chữa bệnh sau nhiều năm nghiên cứu nay đã được nâng cấp ở quy mô thương mại hóa hoặc quy mô sản xuất công nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Thiện Thành, qua đánh giá, chương trình có trên 50% các công nghệ và thiết bị tạo ra có tính năng kỹ thuật và chất lượng tương đương với khu vực. Tác động về mặt kinh tế - xã hội của các kết quả được tạo ra từ các đề tài, dự án trong chương trình có thể đã vượt rất nhiều so với nguồn kinh phí đã đầu tư, đặc biệt đóng góp đáng kể trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm mới, giải quyết các vấn đề khó khăn do sản xuất đặt ra. Chẳng hạn, từ chương trình KC.06/11-15, đã nghiên cứu, chọn tạo được 8 giống lúa có năng suất cao, thơm, chất lượng tốt kháng được một số sâu bệnh hại chính. Các giống lúa này đã được trồng trên 100.000 ha sau khi kết thúc nghiên cứu, với năng suất tăng so với đối chứng 0,5 tấn/ha, giúp người dân thu thêm được 50.000 tấn thóc tương đương với 325 tỷ đồng (giá thóc trung bình cả nước là 6.500 đồng/kg). Hay, từ chương trình KC.10/11-15, đã sản xuất được vắc-xin Rota sống giảm độc lực. Vắc-xin được sản xuất theo quy trình nghiên cứu có trình độ khoa học công nghệ tương đương quốc tế, nhưng giá thành giảm khoảng 1/3 ngoại nhập (vắc-xin nhập có giá 750.000 đồng/liều, vắc-xin Việt Nam chỉ có giá 250.000 đồng/liều). Theo tính toán sơ bộ, nếu chỉ tính cho số vắc-xin thực tế đã sử dụng cho hơn 100.000 trẻ ở 60 tỉnh thành đã giúp giảm chi phí trực tiếp cho việc phải mua vắc-xin ngoại khoảng 50 tỷ đồng, tiết kiệm khoảng 16 tỷ đồng do giảm đến 800.000 lượt thăm khám của trẻ, tiết kiệm khoảng 30 tỷ đồng do giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virut Rota. Đặc biệt, giảm 5.300-6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi…
Nhiều con số minh chứng cho việc nâng cao tiềm lực KH&CN nhờ các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015. Có tới 400 tiến sĩ và 900 thạc sĩ tốt nghiệp thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án. Có tới 160 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế và trên 200 bài báo khoa học trình bày trong các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, số sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận từ kết quả của các nhiệm vụ KH&CN còn hạn chế.
Tại Hội nghị Thứ trưởng Phạm Công Tạc khẳng định, dù nguồn lực đất nước còn hạn chế, Nhà nước đã dành lượng kinh phí khá lớn cho các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước và thu được những thành tựu đáng kể, không chỉ ở số công trình công bố quốc tế mà còn ở những đóng góp cho kinh tế đất nước.
Đánh giá cao kết quả mà các chương trình, các nhà khoa học đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, đây thực sự là những con số biết nói minh chứng cho những đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước, Chính phủ cũng đã ghi nhận những đóng góp này thông qua Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN với những công trình, cụm công trình tiêu biểu. Bộ KH&CN luôn đồng hành cùng các nhà khoa học để KH&CN tiếp tục đóng góp vào công cuộc phát triển chung của đất nước.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong năm 2025 sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực đột phá cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
PhuthoPortal - Ngày 7/1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND công bố kết quả Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2024.
(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ mong muốn, các trí thức, nhà khoa học phải là lực lượng nòng cốt để đưa Việt Nam đứng vào nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo; nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các cường quốc công nghệ vào năm 2030
Gần 25 năm sau khi đề án Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm được chính phủ phê duyệt vào năm 2000, cho đến nay ngành KH&CN chưa có thêm một đề án đầu tư về cơ sở hạ tầng KH&CN hiện đại ở quy mô quốc gia, trong khi đó là một trong những yếu tố nền tảng để KH&CN Việt Nam có thể tạo ra những đột phá trong tương lai.
Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Sáng ngày 18/12/2024, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) chính thức khai giảng lớp Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST.