Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trở thành bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế-xã hội trên tiến trình hội nhập sâu rộng vào các thị trường quốc tế hiện nay.
Tiêu chuẩn hóa không phải hiện tượng mới. Theo cách hiểu truyền thống, các tiêu chuẩn được sử dụng để mô tả chất lượng, tính năng của hàng hóa dịch vụ và chúng rất quan trọng đối với sự phát triển thị trường toàn cầu. Chúng cung cấp hệ thống các tiêu chuẩn và ngôn ngữ chung cho việc phát triển thương mại và kinh tế thế giới. Hầu hết tiêu chuẩn đều được xây dựng theo yêu cầu của nền công nghiệp. Ngoài ra, tiêu chuẩn còn đóng vai trò như các công cụ phục vụ quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn, sức khỏe, môi trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...
Trong hơn 60 năm qua, hạ tầng tiêu chuẩn hoá của Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt: thể chế; đội ngũ cán bộ, nhân viên; cơ sở vật chất kỹ thuật; năng lực và mối quan hệ quốc tế,… Trải qua già nửa thế kỷ hình thành và phát triển từ năm 1962 đến nay, hệ thống TCVN đã góp phần đáp ứng yêu cầu cơ bản về phát triển sản xuất, kinh doanh và thương mại, đồng thời đóng góp quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh do đòi hỏi của nền kinh tế-xã hội qua các giai đoạn phát triển đất nước.
Tiêu chuẩn là tài liệu kỹ thuật được tham chiếu và sử dụng rộng rãi trong các mối quan hệ của đời sống kinh tế - xã hội liên quan đến khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, thương mại... Tiêu chuẩn thể hiện các yêu cầu, quy định đối với đối tượng tiêu chuẩn hoá liên quan và những yêu cầu, quy định đó thường được sử dụng làm các điều khoản được chấp nhận chung khi xác lập quan hệ giao dịch giữa các bên đối tác. Đặc biệt, khi có tranh chấp, tiêu chuẩn chính là cơ sở kỹ thuật cho việc thảo luận, giải quyết và tài phán.
Hoạt động tiêu chuẩn hóa đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển KT-XH đất nước.
Vai trò của công tác tiêu chuẩn hoá hiện cũng được đề cập đến rất nhiều trong các văn bản, tài liệu cũng như tại các hội nghị, hội thảo. Tiêu chuẩn được xem là công cụ kỹ thuật nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá trên thị trường; thuận lợi hoá thương mại; thúc đẩy sáng tạo và phát triển sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; chuyển giao công nghệ... Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã đánh giá: "Tiêu chuẩn có vai trò quan trọng để phát triển một cách bền vững, nó có vai trò vô giá giúp các nước phát triển kinh tế và xây dựng năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đối với thế giới của chúng ta, tiêu chuẩn tạo nên sự khác biệt mang tính tích cực”.
Đối với người tiêu dùng, tiêu chuẩn sẽ giúp giảm bớt tốn kém về thời gian và tiền bạc khi quyết định lựa chọn sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; sẽ là công cụ bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm khi mua phải sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ kém chất lượng. Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn không chỉ mang lại các lợi ích nội tại như: giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu, giảm tỷ lệ sản phẩm phi tiêu chuẩn và mức độ rủi ro, tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin,... mà còn mang lại những lợi ích về cải thiện mối quan hệ với nhà cung cấp, nâng cao vị thế cạnh tranh, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết trong sản xuất-kinh doanh; đảm bảo với khách hàng về sự phù hợp của sản phẩm với yêu cầu chất lượng...
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, cụ thể:
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) là cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trở thành bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế-xã hội trên tiến trình hội nhập sâu rộng vào các thị trường quốc tế hiện nay. Tiêu chuẩn là công cụ và phương tiện quan trọng để đảm bảo duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại trong nước và quốc tế.
Hệ thống TCVN được phát triển theo hướng tăng cường hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến (ưu tiên cam kết hài hòa tiêu chuẩn ISO, IEC, ITU, Codex, CEN/CENELEC, APEC…) đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu theo TCVN cũng có chất lượng tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn châu Âu và các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản... được thị trường thế giới chấp nhận.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngày càng khẳng định vai trò, vị thế là công cụ quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình hiệu suất năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống (khí thiên nhiên CNG/LNG, pin mặt trời, nhiên liệu sinh học…), thúc đẩy sử dụng, nhiên liệu tái chế giảm ô nhiễm môi trường sinh thái (tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất làm nguyên liệu vật liệu xây dựng, giao thông vận tải), phục vụ công tác đo kiểm, đánh giá, xử lý ô nhiễm (như xử lý ô nhiễm tại các khu công nghiệp tập trung sản xuất thép, nguyên liệu dệt may - da giầy…) là những vấn đề được nhà nước, xã hội, người dân quan tâm.
Việc xây dựng và công bố TCVN những năm qua đã giúp cho hệ thống TCVN ngày càng hoàn thiện mà cụ thể là tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ. Đến nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.500 TCVN với tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực là hơn 60%, đã bao trùm hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Hệ thống TCVN cũng hỗ trợ trong công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Đến nay, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành khoảng 800 QCVN. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc này đã trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.
Công tác tiêu chuẩn hoá tại Việt Nam hiện nay đang có khá nhiều thuận lợi cũng như phải đối đầu với không ít khó khăn trong triển khai thực hiện và phát triển. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, thời gian qua hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội…
Mặt khác, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới suy giảm, nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp kỹ thuật bảo hộ thương mại trong nước thông qua xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thế hệ mới với nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn, gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu.
Nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề, đòi hỏi nhiều nỗ lực và tâm huyết của những người làm công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; cần sự tham gia, phối hợp và ủng hộ của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn. Hy vọng rằng, với những nỗ lực của tất cả chúng ta, công tác tiêu chuẩn hóa nước nhà sẽ không ngừng lớn mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước./.
Theo most.gov.vn
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định cho rằng, thực tế để các Bộ chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia đã nảy sinh tình trạng chồng chéo, cùng một nội dung có hai Bộ ban hành.
Thời gian qua, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Quốc gia đã thực hiện tốt công tác chuyên môn về cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp, giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và hướng dẫn, tuyên truyền, giải đáp các vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân, địa phương các vấn đề liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoạt động đánh giá sự phù hợp...
Trong năm 2025, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (TCĐLCLQG) sẽ tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Việt Nam tại các tổ chức; phát huy và tận dụng các ưu đãi, hỗ trợ về đào tạo, hỗ trợ về nguồn lực tài chính từ các tổ chức nước ngoài cho hoạt động TCĐLCL của Việt Nam...
Ngày 20/12/2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Phú Thọ kỷ niệm 40 năm thành lập (25/12/1984 - 25/12/2024). Tới dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Duy Anh - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở; các đồng chí trong Ban lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở; Các đồng chí nguyên cán bộ Chi cục qua các thời kỳ và tập thể cán bộ Chi cục
Tối 18/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2021, 2022, 2023 cho 133 doanh nghiệp và Giải Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 cho 2 doanh nghiệp. Trong số 133 doanh nghiệp có 52 giải Vàng, số còn lại nhận giải Chất lượng.
Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Quốc gia vừa có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về xây dựng kế hoạch hoạt động TCĐLCL năm 2025.