Cúc hoa vàng (Chrysanthemmum indicum L.), hay còn gọi là kim cúc, dã cúc, cam cúc, cúc chi,... là loại cây thân thảo thuộc họ cúc. Cây có thân cao 20 -100 cm, hoa nhỏ, màu vàng, mùi rất thơm. Hoa Cúc hoa vàng có vị hơi ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải cảm, tán phong thấp, giải độc, làm sáng mắt, tạo cảm giác thư thái, dễ ngủ. Dùng hỗ trợ chữa các chứng cảm lạnh, sốt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mắt mờ, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt xưng đau. Uống lâu lợi khí huyết, trẻ lâu. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, có thể ngâm rượu, ướp chè và dùng ngoài để chữa mụn nhọt. Thành phần hóa học trong hoa cúc hoa vàng có chứa tinh dầu, flavonoid, phenolic, polysaccharid, carotenoid, acid amin,… có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm giảm đau, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, điều chỉnh đáp ứng miễn dịch tế bào.
Bông hoa Cúc hoa vàng tại mô hình được thu hoạch làm nguyên liệu sản xuất trà
Mô hình trồng Cúc hoa vàng theo hướng hữu cơ được xây dựng tại huyện Phù Ninh và huyện Lâm Thao thuộc Dự án cấp tỉnh: “Xây dựng mô hình liên kết trồng cây Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.) theo hướng hữu cơ lấy nguyên liệu chế biến sản phẩm trà hoa cúc tại tỉnh Phú Thọ do Trung tâm Phát triển công nghệ cao thực hiện trong 02 năm (2022-2023). Đây là mô hình đầu tiên trồng Cúc hoa vàng theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và đã đạt được một số kết quả đáng kể.
Mô hình đã thu hút 10 hộ dân tham gia với quy mô 01 ha, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, đồng thời tập huấn cho 30 người dân vùng dự án nắm bắt được kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hái cây Cúc hoa vàng theo hướng hữu cơ.
Qua theo dõi, đánh giá cây Cúc hoa vàng trồng theo hướng hữu cơ có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, mức độ nhiễm sâu bệnh hại ở mức thấp, năng suất hoa tươi trung bình đạt 93,46 tạ/ha, tỷ lệ hoa khô/tươi trung bình đạt 15,05%, năng suất hoa khô trung bình đạt 14,07 tạ/ha. Đánh giá cảm quan hoa tươi có màu sắc vàng sáng, sau sấy lạnh bông hoa giữ được hình dạng và màu sắc đẹp, có màu vàng nâu, mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Kết quả phân tích các chỉ tiêu lý, hóa đều nằm trong giới hạn cho phép theo Dược điển Việt Nam V, TCVN I-4:2017 và QCVN 8-2:2011/BYT.
Hình ảnh mô hình tại xã Tiên Du, huyện Phù Ninh
Đánh giá sơ bộ về hiệu quả kinh tế, với mỗi 01 ha trồng cây Cúc hoa vàng theo hướng hữu cơ bà con cần bỏ ra chi phí khoảng 480 triệu đồng bao gồm cả giống, phân bón và nhân công. Trong đó sử dụng 100% phân hữu cơ, hữu cơ khoáng và hữu cơ vi sinh, 100% công chăm sóc, theo dõi, làm cỏ và thu hoạch bằng tay. Mỗi ha trồng sau gần 6 tháng cho thu hoạch sản lượng hoa cúc khoảng 93 tạ/ha, năng suất của cây Cúc hoa vàng trồng theo hướng hữu cơ tuy thấp hơn ghi nhận tại một số vùng trồng khác nhưng với chất lượng đảm bảo đã qua kiểm nghiệm, giá bán trung bình cao hơn giá bán đại trà gấp 1,5-1,9 lần, với giá bán trung bình hiện nay là 77.500 đồng/kg bà con thu về xấp xỉ 725 triệu đồng, trừ tất cả đầu tư bà con thu về lợi nhuận trên 244 triệu đồng/ha. So sánh với thu nhập từ một số cây trồng chủ lực tại địa phương như lúa, ngô thì thu nhập từ trồng cây cúc hoa vàng cao gấp đôi.
Ông Đặng Xuân Huy – Khu 6, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh (Làng hoa Tiên Du) là một trong những hộ dân tham gia mô hình chia sẻ: “Tham gia mô hình chúng tôi được hỗ trợ giống, phân bón và được tập huấn cũng như hướng dẫn kỹ thuật trong suốt vụ hoa. Cây Cúc hoa vàng phù hợp với đồng đất, được trồng theo hướng hữu cơ không sử dụng phân hoá học và thuốc BVTV hoá học nên chất lượng hoa đảm bảo, mùi thơm, ngon ngay cả khi pha tươi. Đến vụ thu hoạch màu vàng rực rỡ cả cánh đồng thu hút rất nhiều người tham quan, chụp ảnh. Đối với gia đình tôi, trồng cây Cúc hoa vàng mang lại giá trị cả về kinh tế và sức khoẻ con người”.
Hình ảnh bà con thu hoạch hoa tại mô hình
Bà con nhân dân hào hứng khi tham gia mô hình và hứa hẹn đây là một loại cây trồng mới có thể bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng vụ thu đông, tăng thêm thu nhập cho bà con trên địa bàn tỉnh. Là cơ sở mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với chế biến nâng cao giá trị sản phẩm.
Mai Thị Như Trang – Trung tâm Phát triển công nghệ cao
Ngày 5/5/2025, tại trụ sở Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ, Sở Khoa học và Công nghệ 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình gặp mặt, trao đổi nhằm thống nhất nội dung đề án hợp nhất 3 sở
Ngày 25/4, tại xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Thanh Sơn tổ chức khai mạc quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản an toàn đợt 1 năm 2025.
Ngày 25/4/2025, tại thành phố Việt Trì, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT)Việt Nam chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thảo khoa học tư vấn, phản biện về “Đánh giá thực trạng và tư vấn, đề xuất xây dựng các lễ hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ và xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”.
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ đã chủ động, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Việc ứng dụng KHCN là giải pháp quan trọng giúp người dân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia trồng rừng tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa và phát triển rừng bền vững.
Chiều ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 lần thứ tư (P4G), Triển lãm về Tăng trưởng xanh với chủ đề “Sáng tạo nhỏ - Tác động lớn”đã chính thức khai mạc. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức.
Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hát Xoan Phú Thọ, ngành Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, biên tập, xuất bản các tài liệu về Hát Xoan, trong đó có tài liệu phục vụ giảng dạy Hát Xoan trong các trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các tài liệu giảng dạy này chưa thực sự thu hút giáo viên và học sinh.
Liên kết trang
0
2
0