Triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở
Ngay sau khi Nghị quyết 19 được ban hành, BCH Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng Kế hoạch hành động số 45-KH/ TU. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai nội dung Nghị quyết 19 và đề ra lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn đối với từng đơn vị, ngành. Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện ở cấp mình. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện quản lý tổ chức, biên chế thống nhất của tỉnh nhằm giúp BTV Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện chủ trương, nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong toàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, BTV Tỉnh ủy đã ban hành 14 Nghị quyết về việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức bộ máy của 14 sở, ngành trong tỉnh. Đến hết tháng 8/2018, toàn tỉnh đã thực hiện xong việc sắp xếp tại 14 sở, ngành; sáp nhập, giải thể 76 đầu mối cấp phòng, ban, chi cục xuống còn 25 (giảm 51 đầu mối). Đặc biệt, tỉnh tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ngành, địa phương nhằm giảm mạnh đầu mối, giảm tổ chức bên trong của đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 3 Chi cục; Sở Khoa học và Công nghệ giảm 1 đơn vị; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảm 3 đơn vị; Sở Y tế giảm 3 đơn vị; Liên đoàn Lao động tỉnh giảm 2 đơn vị; Tỉnh đoàn giảm 2 đơn vị; Sở Thông tin và Truyền thông giảm 1 đơn vị; Sở Giao thông vận tải giảm 3 đơn vị; Trường Đại học Hùng Vương giảm 5 trung tâm, đơn vị. Đồng thời cũng đã tinh gọn 48 phòng và tương đương trong các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, các huyện tiến hành rà soát, thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sáp nhập, hợp nhất một số bộ phận có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Đến nay, có 12/13 đơn vị thực hiện bố trí Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị. Huyện Tam Nông đã thực hiện xong việc sáp nhập 3 trường tiểu học vào 3 trường THCS thành trường học liên cấp tại 3 xã.
Những con số trên đã chứng minh cho nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Sau kiện toàn, nhiều đầu mối cơ quan đã giảm theo hướng tinh gọn, góp phần thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lãnh đạo nắm bắt, quản lý bao quát toàn bộ công việc, từ đó đem lại hiệu quả trong quá trình làm việc. Việc sáp nhập không gây xáo trộn, bảo đảm bộ máy của các đơn vị sự nghiệp tinh gọn, không trùng lặp, bỏ sót nhiệm vụ, từng bước thực hiện tự chủ về tài chính, giảm chi ngân sách nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn của các ngành và của tỉnh. Ngay sau khi sáp nhập, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành đã từng bước ổn định tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, việc sáp nhập đơn vị không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của các cán bộ, viên chức.
Có được điều này là do cấp ủy, lãnh đạo các các cơ quan, đơn vị đã làm tốt công tác cán bộ, việc bố trí cán bộ sau sáp nhập được thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch, công tâm và đúng quy định. Bên cạnh đó, quan tâm, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong toàn cơ quan để cán bộ yên tâm làm việc, đặc biệt là với lãnh đạo các đơn vị và phòng, ban của đơn vị sự nghiệp - những người trực tiếp liên quan khi sắp xếp, điều chỉnh.
Kiên trì các mục tiêu, giải pháp đã đề ra
Thực tế cho thấy, Nghị quyết 19 đã được tỉnh kịp thời cụ thể hóa, xác định được nơi nào, việc nào cần làm trước cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nên ở nhiều nơi đã tạo được sự đồng thuận. Các tổ chức, bộ máy và biên chế các cơ quan, đơn vị từng bước được củng cố, kiện toàn, tổ chức theo hướng tinh gọn hơn, bảo đảm thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao. Đây chính là cơ sở để tỉnh thực hiện hiệu quả lộ trình và mục tiêu đề ra.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thống nhất của tỉnh, đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương 6 cũng như kế hoạch, chương trình hành động của tỉnh đã xác định rõ là phải tổ chức sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì thế khó mấy cũng phải làm. Việc nào dễ tập trung làm trước, việc nào khó và còn nhiều vướng mắc thì tiếp tục nghiên cứu để tìm ra phương án tối ưu nhất.
Trong tháng 9, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến Đề án sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức bộ máy của các sở, ngành, trong đó có sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Theo đó, sau sắp xếp, Sở Tài nguyên và Môi trường giảm từ 5 đơn vị còn 3 đơn vị sự nghiệp; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giảm 2 đơn vị sự nghiệp; Sở Giao thông vận tải chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 776/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.
Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là yêu cầu tất yếu hiện nay. Ðể đạt được yêu cầu này, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ, từ đó đảm bảo hiệu quả cao nhất. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết; giáo dục chính trị tư tưởng và công tác dân vận, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội; quyết tâm chủ động, sáng tạo trong triển khai tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết 19.
Trên cơ sở thống nhất từ nhận thức đến hành động, nhất quán từ chủ trương, quan điểm, phương pháp, cách làm và lộ trình thực hiện, đảm bảo tính kế thừa, đoàn kết và phát triển, có thể thấy việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII là chủ trương đúng đắn, khoa học, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, của tỉnh và thể hiện tầm nhìn, từng bước cải cách nền hành chính công theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm gánh nặng cho ngân sách.