Đây là một nội dung được GS.TS Đào Trọng Thi - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt ra, khi đóng góp ý kiến vào quá trình hoàn thiện Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
10 nhóm giải pháp đổi mới
Theo TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH): Hiện nay các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn thấp; năng lực, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý chưa đạt yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành còn thiếu, lạc hậu; hệ thống chương trình, giáo trình chậm đổi mới, cập nhật.
Vì lý do trên, đứng trước một thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ thống các cơ sở GDNN vẫn còn sức ỳ, chưa thay đổi theo kịp với yêu cầu.
Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước về GDNN cũng chưa thoát được tư duy bao cấp, kế hoạch hóa, chưa đủ sức kiến tạo cho sự phát triển của GDNN.
Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về GDNN, Tổ soạn thảo Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đã đưa ra dự thảo 10 nhóm giải pháp cụ thể gồm:
Thứ nhất: Đổi mới công tác quản lý về GDNN (là giải pháp đột phá);
Thứ hai: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN;
Thứ ba: Đổi mới chương trình đào tạo và tổ chức, quản lý đào tạo;
Thứ tư: Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (là giải pháp đột phá);
Thứ năm: Chuẩn hóa và phát triển cơ sở vật chất thiết bị;
Thứ sáu: Phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
Thứ bảy: Tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp;
Thứ tám: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong GDNN;
Thứ chín: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN, thúc đẩy công nhận bằng cấp;
Thứ mười: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Theo yêu cầu thị trường lao động quốc tế
GS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Hiện nay vấn đề hội nhập với GDNN không chỉ trong thị trường ASEAN mà hãy đặt mục tiêu vươn tầm thế giới, và không chỉ đưa lao động phổ thông mà còn phải chú trọng đưa lao động có tay nghề chất lượng cao ra phân khúc thị trường thế giới.
Về đổi mới Đề án GDNN trước hết phải thể hiện được hai nội dung: Nghị quyết của Đảng được thể chế hóa bằng luật đã được Quốc hội thông qua về GDNN trong đó có những thay đổi căn bản về công tác GDNN, tức là cả về trình độ, định hướng phát triển giáo dục, mạng lưới cơ sở giáo dục.
Luật GDNN xây dựng trên tinh thần của Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GDNN, trong đó bao gồm toàn bộ chủ trương chính sách quan điểm của Đảng trong nghị quyết này và cần được thể chế hóa cụ thể hơn trong Luật GDNN. Luật GDNN đã được ban hành có hiệu lực từ 2015, nhưng triển khai còn chậm.
Để công tác này sớm đi vào vận hành, cần tổ chức xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tuy nhiên đây là công việc tương đối lớn và cần nhiều thời gian và đòi hỏi cả về kinh nghiệm lẫn chuyên môn.
Công tác phân luồng mang tính chủ động, như phân luồng học sinh bậc phổ thông để tăng nguồn đầu vào cho GDNN và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có trình độ GDNN cụ thể khoa học về quy mô cơ cấu ngành nghề trình độ chất lượng và phân bố vùng miền địa phương sát với thực tế địa phương thị trường lao động, có tính đến khối thị trường chung của khối ASEAN và phát triển hợp tác lao động quốc tế.