Trong những năm gần đây, một số đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã xuất hiện các mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, được đánh giá có sức lan tỏa và thu hút được đông đảo người dân tham gia, góp phần tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Mô hình vườn nấm ứng dụng nhiều kỹ thuật công nghệ cao Minakami tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao
Trong những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ xác định nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; trong đó định hướng ưu tiên là nghiên cứu lựa chọn, ứng dụng các giống cây trồng vật nuôi mới, các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, Phú Thọ đã triển khai thực hiện 122 đề tài, dự án cấp nhà nước và cấp tỉnh với tổng kinh phí hơn 208 tỉ đồng. Hầu hết các đề tài, dự án đều tập trung giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn sản xuất và đời sống như giống mới, quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân vùng nông thôn, miền núi.
Để công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ đạt hiệu quả, Phú Thọ đã huy động đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh tham gia thẩm định nội dung, công nghệ và trực tiếp tham gia thực hiện các dự án, đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hằng năm bố trí thực hiện các đề tài về khảo nghiệm, chọn lọc tập đoàn các giống lúa ngô mới phù hợp với điều kiện của tỉnh. Qua khảo nghiệm đã lựa chọn được 5 giống lúa, 2 giống ngô đề nghị bổ sung vào cơ cấu giống cây lương thực của tỉnh, điển hình là giống lúa J02 hiện nay đã được phát triển mạnh mẽ trong cả nước. Bên cạnh đó, chú trọng bảo vệ các nguồn gen quý hiếm phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ khai thác phát triển sau này như cá anh vũ, cây sơn ta…; bố trí các đề tài bảo tồn nguồn gen và phát triển các loài cây, con có giá trị của tỉnh như: Quýt Đông Khê, vải VPH40, bương mốc, măng gầy, nếp Gà gáy Mỹ Lung, chuối phấn vàng, khoai tầng vàng… Nhằm khai thác và phát triển các giống cây con đặc trưng, tỉnh đã đưa vào triển khai thực hiện các đề tài, dự án về sản xuất các sản phẩm chè từ cây chè truyền thống của tỉnh như nghiên cứu thành công công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất trà cốm gạo lứt. Để phục vụ cho phát triển kinh tế hàng hóa, đã đưa vào triển khai xây dựng các mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ gắn với việc áp dụng các qui trình nông nghiệp sạch VietGAP, GACP vào các sản phẩm…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình được đánh giá cao, trong đó phải kể đến mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ chăn nuôi thỏ New Zealand theo hướng hàng hóa quy mô; mô hình khảo nghiệm trồng dưa vàng, dưa lưới chất lượng cao ở xã Hùng Lô; mô hình sản xuất rau an toàn trái vụ tại xã Sông Lô, xã Tân Đức…
Tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, vườn nấm ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao Minakami được triển khai trên diện tích hơn 8.000m2, cung ứng ra thị trường 60 tấn nấm tươi/năm, giá bán bình quân sản phẩm tươi từ 100 - 120 nghìn đồng/kg. Mô hình này đang là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Bà Trần Thị Oanh - Cán bộ quản lý vườn nấm cho biết: Nấm hương Minakami được sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, trồng theo quy trình khép kín. Để diệt các loại vi khuẩn có hại, nguyên liệu làm nấm được đóng thành bịch trong các túi nilon PE, gần miệng túi có gắn màng lọc khí, sau đó được đưa vào lò hấp ở 105 độ C trong vòng 8 tiếng trước khi thả giống. Việc thả giống được thực hiện hoàn toàn bằng máy móc trong môi trường vô trùng nhằm đảm bảo tốt nhất sự phát triển của giống nấm.
Tuy nhiên trên thực tế, việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh qui mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nguyên nhân là do trình độ và tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh còn thấp, nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế. Nhiều chủ thể sản xuất kinh doanh còn khó tiếp cận được các thông tin về chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước; khi tiếp cận phải trải qua quy trình xét duyệt kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…
Trong thời gian tới, Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai các dự án, đề tài qui mô hàng hóa lớn, phát triển và xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo sức lan tỏa lớn trong nhân dân. Chú trọng nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả như: Trồng thâm canh cây bưởi Diễn qui mô 200ha; sản xuất giống cá nuôi thương phẩm qui mô hàng hóa cá bỗng, trắm đen, chiên trên sông; sản xuất giống và nuôi thương phẩm baba gai; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất Thanh long TL5… Đồng thời, tiếp tục dành nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sử dụng vật tư sản xuất nông nghiệp sạch như công nghệ nhà lưới, nhà màng, nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun tiết kiệm sử dụng hệ thống cảm biến thông minh tự động, qui trình sản xuất nông nghiệp sạch VietGap, GACP.
Tuy nhiên, để nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả thì cần phải tiếp tục huy động sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh; tích cực thông tin tuyên truyền về chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ của Nhà nước để các doanh nghiệp, cá nhân và đơn vị có thể tiếp cận thuận lợi nhất; xem xét cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp…
Có thể khẳng định, khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp toàn diện. Ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ là đòn bẩy vững chắc để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản của địa phương trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Giải thưởng ngôi sao sáng chế (IPSTAR) vinh danh 10 sản phẩm công nghệ tiêu biểu được thương mại hóa, tạo ra giá trị kinh tế.
baophutho.vnTrước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng không ngừng phát triển công nghệ số để gia tăng tiện ích và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ số đã trở thành một xu hướng tất yếu, giúp các ngân hàng cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ an toàn, hiện đại và tiện lợi.
baophutho.vnBắt nhịp với khoa học kỹ thuật và công nghệ số, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) đã chú trọng chuyển đổi số (CĐS) thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, sản xuất và kinh doanh. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế, giúp các HTX tiếp cận nhanh với thị trường.
baophutho.vnThực hiện Đề án 06 của Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch CĐS của tỉnh, thời gian qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trong hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Ứng dụng công nghệ sinh hóa nhiệt, các nhà khoa học phát triển hệ thống xử lý rác không khí thải, tro xỉ thải, nước thải, mùi hôi, vận hành tại nhà máy xử lý rác Bắc Giang.
Dầu ăn đã qua sử dụng (UCO - Used Cooking Oil) từ lâu được xem là một loại chất thải khó xử lý. Việc vứt bỏ dầu ăn một cách không đúng cách không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, với những tiến bộ công nghệ mới, dầu ăn đã qua sử dụng có thể trở thành nguyên liệu quan trọng trong sản xuất nhiên liệu sinh học, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.