Các đại biểu nhấn nút tượng trưng khai trương Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ (phiên bản mới)
Để hình thành và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Phú Thọ đã chủ động, tăng cường và ưu tiên đầu tư cho đào tạo nghề; điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới dạy nghề, cơ sở đào tạo và các ngành nghề; thực hiện cơ chế liên thông trong đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề để người lao động có nhiều cơ hội học tập, từng bước hình thành đội ngũ công nhân kỹ thuật giỏi, nhân viên lành nghề trong các ngành và lĩnh vực.
Trong các cơ sở đào tạo nghề, công tác truyền thông, tuyển sinh được quan tâm chú trọng nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong lựa chọn ngành học, nghề nghiệp. Nhiều đơn vị đã chủ động thay đổi phương pháp đào tạo truyền thống từ “dạy chay, học chay” đến đẩy mạnh hoạt động thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động giảng dạy, tạo sự hứng thú cho người học và tạo cơ hội để người học tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Các nhà trường cũng tích cực chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động; liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước; đồng thời nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý thông qua hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn.
Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Phú Thọ là một ví dụ điển hình. Song song với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề đạt chuẩn về trình độ chuyên môn; nhà trường đã chủ động nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu của thị trường, mở rộng ngành nghề đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo những ngành nghề phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0 và những ngành nghề trọng điểm ở cấp độ ASEAN, cấp độ quốc gia như: Điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, cơ điện nông thôn, công nghệ chế biến chè, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy được đổi mới, trong đó kịp thời bổ sung tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nội dung giảng dạy và thực hành, giảm thiểu lý thuyết, tăng thời lượng thực hành; giảng dạy tích hợp, gắn đào tạo với thực tập sản xuất tại xưởng trường và cơ sở sản xuất; trang bị cho học sinh, sinh viên những kĩ năng mềm cần thiết... qua đó giúp học sinh, sinh viên có thêm năng lực, kiến thức cần thiết để làm việc hiệu quả sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Phú Thọ trong giờ thực hành
Cùng với Trường Cao đẳng Nghề Cơ điện Phú Thọ, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề của đơn vị, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới. Nhờ đó đến nay, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; gần 30% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghề, nhất là ở các nghề thuộc khối kỹ thuật -công nghệ như kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, công nghệ 3D… đạt trên 85%.
Tuy nhiên, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 thì không chỉ có nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà thực tế đòi hỏi chính các doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp tích cực nhằm bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân lao động tại doanh nghiệp.
Là doanh nghiêp hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao, Công ty TNHH Công nghệ Namuga (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) đã có những hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đại diện công ty cho biết: “Vì làm việc trong môi trường ứng dụng công nghệ cao nên đòi hỏi người lao động trong công ty, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư kỹ thuật phải có trình độ tay nghề giỏi, tốt nghiệp đại học chuyên ngành, sử dụng thành thạo ngoại ngữ và máy vi tính. Trong quá trình làm việc, từ 3 - 6 tháng tùy từng dây chuyền sản xuất, chúng tôi tiến hành đào tạo lại cho toàn bộ người lao động. Riêng đối với đội ngũ kỹ sư kỹ thuật, để nâng cao trình độ tay nghề cho họ, chúng tôi mời các cán bộ, chuyên gia nước ngoài về trực tiếp đào tạo chuyên môn hoặc định kỳ cử một số cán bộ ra nước ngoài học tập”.
Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Theo các chuyên gia, để đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng này, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nghề nói riêng bắt buộc phải đổi mới từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường. Việc thay đổi phải bắt đầu từ tư duy của những người trong cuộc, sẵn sàng tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ; xây dựng mô hình đào tạo mở, tạo cơ hội tương tác nhiều hơn cho cả người dạy và người học; đồng thời gia tăng sự kết nối, chia sẻ thông tin, lợi ích cũng như trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động. Các doanh nghiệp tích cực liên kết với các nhà trường, tạo “đầu ra” cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; đồng thời tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cho người lao động. Bản thân người lao động cần nhanh chóng tiếp thu, làm chủ kiến thức và công nghệ, tích cực trau dồi trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ý thức kỷ luật, tạo tiền đề để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, có tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.