Rong nho biển (Caulerpa lentillifera J. Agardh. 1837) còn gọi là trứng cá Hồi xanh (green caviar) được sử dụng làm thức ăn truyền thống ở các nước Nhật Bản, Philippines… dưới dạng rau xanh hoặc salad. Do có giá trị kinh tế cao (giá bán ở thị trường Nhật Bản khoảng 60 USD/kg rong tươi) và nhu cầu tăng nhanh trong những năm gần đây nên rong nho biển đã được nuôi trồng tại Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.
Từ tháng 5/2012 đến tháng 7/2013 được sự phê duyệt, cấp kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, Viện Hải dương học đã phối hợp với UBND huyện Trường Sa, Vùng 4 Hải Quân thực hiện đề tài “Chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển (Caulerpa lentillifera J. Agardh. 1837) cho quân và dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa” nhằm hoàn thiện mô hình trồng, tập huấn chuyển giao cho quân và dân huyện Trường Sa kỹ thuật trồng rong nho biển trong bể composite, cách chế biến và bảo quản rong nho biển phù hợp với điều kiện tại Trường Sa, góp phần bổ sung nguồn rau xanh cho quân và dân sống trên đảo.
Đề tài đã xây dựng trại trồng rong nho biển tại Vùng 4 Hải Quân để triển khai thực hiện 2 mô hình trồng đáy và trồng treo rong nho biển trong bể composite. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy rong nho biển sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở điều kiện độ mặn khoảng 33- 33,5‰, nhiệt độ khoảng 25 - 300C, cường độ ánh sáng khoảng 15.000 Lux, chất đáy (thể nền) thích hợp cho rong nho phát triển là bùn cát hoặc cát bùn.
Nguồn giống rong nho biển có thể được cung cấp bởi Viện Hải dương học, yêu cầu của rong nho biển làm giống là phải khỏe mạnh, sạch rong tạp và không có sinh vật sống bám trên rong. Cắt các đoạn rong dài từ 10 - 15 cm (gồm thân đứng và thân bò) hoặc các thân đứng để cấy trồng trong bể.
Mô hình trồng đáy
Đáy bể trồng rong nho biển được phủ một lớp cát bùn dày khoảng 10 cm để cấy trồng trực tiếp rong nho lên trên. Các bể trồng rong được bơm đầy nước biển và thay nước vài lần trước khi cấy trồng rong nho. Trọng lượng ban đầu của rong nho giống cấy trồng trong bể có thể dao động từ 200 - 400 g tươi/m2.
Sau 2 tháng trồng trong bể, rong nho biển phát triển tốt, năng suất rong toàn tản đạt khoảng 4,64 kg rong tươi/m2, tốc độ sinh trưởng đạt 1,77%/ngày. Tỷ lệ khối lượng thân đứng so với toàn tản đạt 62,64%, trong đó tỷ lệ khối lượng thân đứng > 5cm (phần sử dụng làm thực phẩm) so với toàn tản đạt 28,74%.
Mô hình trồng treo
Rong nho biển có thể được trồng treo trên các vỉ lưới nhựa cứng có kích thước khoảng 25 cm x 50 cm (S= 0,13 m2/vỉ) hoặc lớn hơn. Mật độ trồng ban đầu là 50 g tươi/vỉ (400 g tươi/m2). Các vỉ nhựa được treo trong bể chứa đầy nước biển, cách đáy khoàng 20 - 30 cm.
Sau 2 tháng trồng, rong nho biển phát triển phủ đầy trên bề mặt và xung quanh vỉ lưới, năng suất đạt 2,67 kg rong tươi/m2, tốc độ sinh trưởng đạt 1,25%/ngày. Tỷ lệ khối lượng thân đứng so với toàn tản chiếm 51,51%, trong đó, tỷ lệ khối lượng thân đứng > 5 cm so với toàn tản đạt 20,98%.
Mô hình trồng treo và trồng đáy rong nho biển trong bể ít choán diện tích, phù hợp điều kiện ngoài đảo. Rong nho phát triển nhanh, cho năng suất cao, là thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Để tăng năng suất và trọng lượng thân đứng > 5 cm (phần thu hoạch để sử dụng) của rong nho biển trồng trong bể, có thể bón bổ sung phân hữu cơ làm từ bột cá (fertiplus 4-3-3) cho các bể trồng rong với hàm lượng khoảng 27g/m3, khoảng cách các lần bón phân khoảng 15 ngày/lần. Rong nho có bón phân hữu cơ làm từ bột cá có thể đạt năng suất hơn 10 kg rong tươi/m2/vụ (2 tháng) và có thể duy trì năng suất cao trong bể quanh năm.
Sản phẩm rong nho biển trồng trong bể bón phân hữu cơ làm từ bột cá đã được kiểm nghiệm, dư lượng Nitrat và vi sinh vật luôn thấp hơn giới hạn cho phép của Bộ Y Tế (quyết định 867/1998/QĐ - BYT) nên đạt chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Rong nho biển trồng trong bể được thu hoạch bằng phương pháp thu tỉa (chỉ ngắt, hái những thân đứng dài hơn 5 cm để ăn) với khoảng cách 7-10 ngày/lần. Phần rong còn lại trong bể tiếp tục được chăm sóc, rong sẽ tiếp tục phát triển và duy trì sinh lượng cao quanh năm. Phần thân đứng sau khi thu hoạch được sục khí mạnh trong khoảng 16-24 giờ để rong được sạch và bảo quản lâu hơn (khoảng 7-10 ngày). Rong nho biển thường được sử dụng ở dạng tươi, ăn như rau xanh, ăn kèm với các món ăn khác (thịt, cá, đồ hộp...) hoặc nấu canh.
Đề tài cũng đã tập huấn cho 40 cán bộ, chiến sĩ các kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển, đồng thời cung cấp hơn 100 kg sản phẩm rong nho biển cho các bếp ăn của một số đơn vị tại Vùng 4 Hải Quân và một số đảo nhằm quảng bá sử dụng rong nho biển làm thực phẩm bổ sung rau xanh cho quân và dân sống trên các đảo ở Trường Sa.
Sáng ngày 18/1, tại Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị thẩm định thuyết minh dự án KH&CN cấp tỉnh: Xây dựng mô hình quản lý du lịch thông minh tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng do Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chủ trì thực hiện. Thạc sỹ Chu Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Sở làm Chủ tịch Hội đồng.
Ngày 17/1, tại Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị thẩm định thuyết minh dự án KH&CN cấp tỉnh: Xây dựng mô hình sản xuất con giống thuần chủng gà nhiều cựa huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ từ nguồn gen đã được chọn lọc, dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2021 - 2025 do Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh Phú Thọ chủ trì thực hiện.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh đồng thời giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm, giảm thiểu lượng carbon.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh đồng thời giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm, giảm thiểu lượng carbon.
Ngày 01/7/2023, tại Nhà luyện tập và thi đấu tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Hội thao chào mừng Đại hội Công đoàn viên chức tỉnh Phú Thọ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 -2028