Nhằm mục đích nâng cao chất lượng và số lượng công bố quốc tế của Việt Nam, sáng 21/2, tại Hà Nội, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tổ chức Hội thảo “Kỹ năng viết và đăng bài trên các tạp chí khoa học quốc tế”.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Xuân Định, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia; Bà Valerie Teng – Broug, đại diện Nhà xuất bản Elservier; Ông Nicholas Pak, đại diện Nhà xuất bản Elservier. Đặc biệt, tham dự Hội thảo còn có hơn 200 đại biểu là các cán bộ lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên đến từ các Vụ, Viện nghiên cứu, các trường đại học, các sở KH&CN.
Ông Lê Xuân Định – Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lê Xuân Định – Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chí để đánh giá năng lực nghiên cứu của một đơn vị khoa học hay một quốc gia. Theo TS Lê Xuân Định, có nhiều tiêu chí để đánh giá, song việc thể hiện ra bên ngoài để có thể cân đo và đong đếm được chính là công bố quốc tế.
Trên thế giới có nhiều cách, nhiều chỉ tiêu để đánh giá năng lực nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu của một cơ quan nghiên cứu hay một quốc gia. Hiện nay, yếu tố đổi mới sáng tạo được lồng ghép và tích lũy trong khả năng đánh giá nghiên cứu, tuy nhiên công bố quốc tế vẫn là chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá năng lực, kết quả nghiên cứu sáng tạo của cơ quan nghiên cứu từ đó suy rộng ra là năng lực của quốc gia. Theo đó, việc rèn luyện kỹ năng viết và xuất bản bài nghiên cứu trên tạp chí khoa học là vô cùng quan trọng – TS Lê Xuân Định khẳng định.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia chia sẻ kỹ năng viết và xuất bản bài nghiên cứu trên tạp chí khoa học qua các chủ đề tham luận như: Đảm bảo thông tin cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của Việt Nam; Kỹ năng viết bài nghiên cứu xuất bản trên tạp chí khoa học; Làm thế nào để nghiên cứu tạo được sự chú ý trong cộng đồng.
Theo bà Velerie Teng - Broug, để viết và xuất bản bài nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế thì bản thảo đó phải có chất lượng, mang đến thông điệp mới, rõ ràng, hữu ích và thú vị, cấu trúc trình bày hợp lý. Đội ngũ thẩm định viên và biên tập viên có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa khoa học chuyên môn. Bên cạnh đó, bà Velerie Teng – Broug đã chỉ ra nhiều lưu ý, trong đó để bài báo nhận được sự chú ý, quan tâm tương xứng với nỗ lực bỏ ra, trước hết nhà khoa học cần chọn đúng tạp chí.
Để làm bài viết thực sự nổi bật so với những bài viết khác, cách chia sẻ thông tin trên các diễn đàn, các hình thức truyền thông, mạng xã hội cũng là cách mà bà Velerie Teng gợi ý.
Bà Velerie Teng cũng chỉ rõ, với một bài báo khoa học cũng rất cần quảng cáo bài viết, tức là phần tóm tắt phải thú vị và dễ hiểu, viết đúng trọng tâm và cụ thể ý.
Hiện nay, công bố bài báo trên các tạp chí quốc tế được coi là một trong những thước đo chất lượng nghiên cứu khoa học của một quốc gia. Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay nhịp độ gia tăng công bố quốc tế của Việt Nam trung bình khoảng 19%/năm – nằm trong top cao các chỉ tiêu chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 (chiến lược đề ra từ 17-20%).
Hiện nguồn kinh phí nuôi dưỡng nghiên cứu khoa học chủ yếu là ngân sách nhà nước nhưng tới đây 70% sẽ đến từ đặt hàng của các doanh nghiệp – do đó dư địa phát triển cho các công bố trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất lớn.
Bên cạnh số lượng công bố quốc tế, việc nâng cao chất lượng là quan trọng. Theo đó việc rèn luyện kỹ năng viết và xuất bản bài nghiên cứu trên tạp chí khoa học là vô cùng quan trọng.