Ngày 24/4, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm "Chống hàng giả, hàng nhái: Nhìn từ góc độ sở hữu trí tuệ" với sự tham gia của các khách mời: Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN; ông Đỗ Dũng, đại diện Công ty Honda Việt Nam.
Tọa đàm "Chống hàng giả, hàng nhái: Nhìn từ góc độ sở hữu trí tuệ". |
Tại buổi tọa đàm, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam hiện nay đã và đang trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội.
Tại Việt Nam, xâm phạm về SHTT thường phổ biến với những vụ về: Nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại. Trong năm 2014, Thanh tra bộ đã phát hiện 64 vụ, xử lý 47 vụ với số tiền phạt gần 2 tỷ đồng với xâm phạm nhiều nhất là giả, nhái nhãn hiệu.
Lấy ví dụ từ hai sản phẩm bị nhái là dập ghim của Nhật Bản và vòng bi của Thụy Điển, ông Trần Minh Dũng thừa nhận: Nếu không có các chuyên gia của doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm trên hỗ trợ thì bằng mắt thường, khó có thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, ông Dũng cho rằng, trước hết, là do một số doanh nghiệp vẫn thờ ơ với công tác bảo vệ quyền SHTT, thậm chí nhiều doanh nghiệp khi có thông tin sản phẩm của mình bị làm giả còn cho qua, vì sợ người tiêu dùng biết sẽ tẩy chay hàng hóa đó.
Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn của nhiều cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thiếu thông tin về hàng thật, hàng giả nên không dám xử lý tại chỗ những mặt hàng vi phạm.
Bởi vậy, các doanh nghiệp cần tự bảo vệ chính mình bằng việc hợp tác với các cơ quan thực thi, chủ động điều tra, phát hiện những sản phẩm nhái và báo cáo lại cho cơ quan chức năng.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục SHTT cũng cho biết: Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia năm 2014, các lực lượng đã bắt giữ hơn 21 nghìn vụ hàng giả, hàng nhái nhưng số lượng bị xử lý rất nhỏ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó có nguyên nhân hàng hóa xuất xứ trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc hàng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi vẫn chưa chủ động trong việc xử lý các vụ việc.
Là cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ông Nam cũng cho biết: Để ngăn chặn tình trạng vi phạm SHHT trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thực thi trong việc đưa ra ý kiến chuyên môn về hàng giả, hàng nhái…
Đồng thời, ông Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp cần có kế hoạch xác lập quyền SHTT trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần có bộ phận triển khai quản lý, thực thi quyền SHTT đối với sản phẩm của doanh nghiệp mình, từ đó, doanh nghiệp mới có nền móng vững chắc cho việc phát triển sản phẩm, tạo nội lực, sức cạnh tranh thực sự cho chính doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế Việt Nam.
Đại diện Công ty Honda Việt Nam, ông Đỗ Dũng, Trưởng phòng pháp chế của công ty cũng chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế của công ty này, theo đó bản thân doanh nghiệp phải là người chủ động đầu tiên trong việc bảo vệ hàng hóa của mình. “Doanh nghiệp phải là người chủ động trước vì đây là tài sản của mình, không để sau khi mất lại phải đi mua lại thương hiệu của mình với giá không hề rẻ," ông Dũng nêu ý kiến./.