Thu hoạch lúa tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao
Nghị quyết 01 hỗ trợ cho 7 hoạt động phát triển nông nghiệp gồm: Phát triển cây chè; phát triển cây bưởi Diễn; hỗ trợ giống lúa chất lượng cao; xử lý chất thải trong chăn nuôi; phát triển rừng sản xuất; phát triển thủy sản; hỗ trợ thuê và dồn đổi đất sản xuất nông nghiệp. Nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện. Đối với huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%; các huyện, thành, thị còn lại ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa 90% kinh phí thực hiện.
Cẩm Khê là một trong những huyện sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 01 đến các đơn vị trên địa bàn huyện, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực.
Trang trại của ông Phạm Hồng Diến - khu 1, thị trấn Sông Thao là 1 trong 3 trang trại thủy sản trên địa bàn huyện Cẩm Khê được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 01. Với diện tích gần 22ha mặt nước, trang trại của ông Diến được hỗ trợ 30 triệu đồng tiền cá giống. Trên cơ sở đó, ông chuyển toàn bộ sang nuôi những giống cá cho hiệu quả kinh tế cao như: Cá rô phi đơn tính, cá chim… Đến nay, doanh thu hằng năm sau khi trừ chi phí ước đạt khoảng gần 1 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Hồng Diến cho biết: “Ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi thủy sản theo hướng truyền thống nhưng khi được tỉnh hỗ trợ kinh phí để mua thêm cá giống nên tôi đã chuyển sang nuôi theo hình thức công nghiệp. Chính sách hỗ trợ như thế này là nguồn động viên rất lớn để người nông dân chúng tôi yên tâm mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa”.
Trang trại của ông Phạm Hồng Diến được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 01
Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Khê cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 01 đến hết năm 2017, huyện Cẩm Khê đã triển khai hỗ trợ trồng mới bưởi Diễn, giống lúa chất lượng cao, phát triển rừng sản xuất và hỗ trợ phát triển thủy sản. Ngoài ra, huyện cũng chủ động dành ngân sách địa phương hỗ trợ chương trình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian tới, huyện Cẩm Khê tiếp tục vận động người dân liên kết thành lập các tổ hợp tác sản xuất quy mô lớn để có thêm nhiều hộ được hưởng chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống”.
Đến hết năm 2017 tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất trên địa bàn tỉnh từ Nghị quyết 01 đạt 10,6 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ giống lúa chất lượng cao tại 11/13 huyện, thành, thị (trừ thành phố Việt Trì và Đoan Hùng) với tổng kinh phí hỗ trợ đạt 3,2 tỷ đồng. Hỗ trợ phát triển cây bưởi Diễn đạt 1,3 tỷ đồng. Hỗ trợ 61 trang trại thủy sản với quy mô trên 288ha trên địa bàn huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Thủy, Tam Nông và thị xã Phú Thọ với kinh phí hỗ trợ đạt 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ cho xử lý chất thải trong chăn nuôi, phát triển rừng sản xuất, thuê đất nông nghiệp… Tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ cho các địa phương gồm: 4,9 nghìn ha liên kết sản xuất lúa chất lượng cao; trên 90 ha thuỷ sản; 2,8 nghìn ha trồng rừng sản xuất tập trung; 8 trang trại xây dựng công trình biogas quy mô lớn; 53ha thuê đất sản xuất…
Thực tế cho thấy, Nghị quyết 01 từ khi được triển khai đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững theo hướng liên kết sản xuất; tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đáng chú ý, nhờ chính sách khuyến khích, kích cầu nên một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 01gặp một số khó khăn do chính sách tập trung hỗ trợ cho các đối tượng là các HTX, tổ hợp tác, trang trại với quy mô lớn; trong khi thực trạng sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ yếu còn nhỏ lẻ. Khó khăn nhất là cơ chế hỗ trợ phát triển cây chè do điều kiện hỗ trợ là các HTX có diện tích trồng chè liền vùng từ 5ha trở lên; trang trại, hộ gia đình có diện tích trồng chè liền vùng từ 2,1ha trở lên. Do người dân vẫn canh tác theo phong tục tập quán nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ nên khá khó khăn cho các địa phương triển khai thực hiện.
Theo ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: “Thời gian tới, để Nghị quyết 01 được thực hiện hiệu quả, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để mọi người dân đều được biết về các nội dung hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và hiệu quả của chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất từ nhỏ lẻ, quy mô nhỏ sang sang hợp tác liên kết sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị để đủ điều kiện thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát những vùng sản xuất tập trung, vận động, tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh đầu tư, hình thành và phát triển các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, khuyến khích hình thành các hình thức liên kết trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm”.
Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã góp phần vào việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thay đổi tư duy, cách sản xuất cũ sang tư duy sản xuất hàng hóa của người dân. Dù còn hạn chế, song những nguồn lực hỗ trợ từ Nghị quyết 01 là động lực cho người dân chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất theo quy mô lớn nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.