Ngày 20.1.2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ/ngành, cơ quan trung ương và địa phương.
Những kết quả được ghi nhận
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, trong năm 2014, xác định việc thể chế hoá Nghị quyết số 20-NQ/TW của Đảng và các quy định của Luật KH&CN 2013 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Bộ KH&CN đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định, ban hành theo thẩm quyền và phối hợp với các bộ/ngành liên quan ban hành18 Thông tư, tạo hành lang pháp lý rộng mở, bình đẳng đối với mọi thành phần công lập, ngoài công lập, nhà khoa học Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, thúc đẩy tiềm năng KH&CN quốc gia, đổi mới phương thức quản lý, đầu tư và cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN. Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Các doanh nhân, nhà khoa học có tinh thần đổi mới sáng tạo được hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa khi khởi nghiệp và hình thành doanh nghiệp KH&CN. Chính sách sử dụng, trọng dụng, tôn vinh lực lượng KH&CN được ban hành và bước đầu đi vào cuộc sống. Lần đầu tiên sau 55 năm xây dựng và trưởng thành, Ngày KH&CN Việt Nam (18.5) chính thức trở thành ngày kỷ niệm riêng, tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu KH&CN, góp phần khơi dậy tinh thần yêu KH&CN trong quảng đại quần chúng. Việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và hoạt động KH&CN tại các bộ/ngành, địa phương cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tốt. Đặc biệt, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai tích cực các dự án KH&CN thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia về công nghệ cao và các chương trình, đề án trọng điểm khác.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Điển hình là 9 báo cáo chắt lọc cung cấp cho Hội đồng Lý luận Trung ương phục vụ Ban Bí thư trong việc dự thảo chiến lược, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến văn hóa, con người và nguồn nhân lực; đóng góp trong việc xây dựng Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Khoa học cơ bản tiếp tục thu được những kết quả đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, số lượng công trình nghiên cứu có công bố và trích dẫn quốc tế tiếp tục tăng so với năm 2013. Khoa học kỹ thuật và công nghệ tiếp tục có bước phát triển tích cực. Số lượng các văn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam đều tăng so với năm trước. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, đã nghiên cứu, chọn tạo được 18 giống cây trồng chính thức và 16 giống được công nhận sản xuất thử. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, ngô lai nội - giống ngô LVN61 được chuyển nhượng với giá cao kỷ lục (6,8 tỷ đồng) và được trồng phổ biến ở các tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Đắc Lắk, Đồng Nai. Trong lĩnh vực y - dược, đã ứng dụng thành công công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư (tại Bệnh viện trung ương Huế); công nghệ gắn kháng thể đơn dòng với 2 đồng vị phóng xạ I131 và Y90; công nghệ sản xuất vắc xin rota sống, uống giảm độc lực, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 2 tại châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ tiến tiến của thế giới… Trong lĩnh vực công nghiệp - năng lượng, đã làm chủ được việc thiết kế, chế tạo và vận hành máy biến áp 220 kV, 500 kV đạt tiêu chuẩn quốc tế (IEC 60076); hợp tác, liên kết với các nước phát triển như Nhật Bản, Liên bang Nga để thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, lắp đặt, vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) có chất lượng tương đương tiêu chuẩn của châu Âu, có khả năng tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam và xuất khẩu. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đã sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm bằng chủng NIBRG 14; sản xuất thành công thẻ ADN nhận dạng cá thể người phục vụ công tác an ninh và quốc phòng; biệt hoá thành công tế bào máu cuống rốn, tuỷ xương, máu ngoại vi thành tế bào tua để điều trị ung thư; sản xuất kit dạng que nhúng để chẩn đoán nhanh bệnh tai xanh trên lợn với thời gian đọc kết quả chỉ 3-7 phút, độ chính xác 99%. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đã xây dựng và đưa vào ứng dụng quy trình dự báo bão trên biển Đông trước 5 ngày... với sai số còn khoảng 350 km; xây dựng công nghệ và phương pháp tính toán hiện đại, có độ chính xác cao để phân tích hệ gen của cá thể người Việt… Các hoạt động khác như phát triển thị trường công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân… đều đã tạo được những điểm sáng nổi bật, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ KH&CN cần đi đầu trong đổi mới, sáng tạo
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Trong năm 2014, mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nêu trên, song ngành KH&CN còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết. Đó là: tiềm lực và trình độ KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các cán bộ đầu ngành có khả năng chỉ huy triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu còn thiếu, chưa đồng bộ. Trình độ KH&CN nhìn chung còn tụt hậu xa so với thế giới, kể cả với một số nước nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng thấp. KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. Đây cũng là một thách thức lớn của KH&CN nước nhà khi chúng ta hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế. Trong quản lý hoạt động KH&CN, còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, vì vậy, chưa hình thành được các lĩnh vực KH&CN mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng với khu vực và thế giới. Chưa huy động được các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu. Việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ gặp nhiều rào cản, dẫn tới hiệu quả chính sách còn thấp…
Tại Hội nghị, các đại biểu thuộc các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, đại diện một số viện nghiên cứu, trường đại học và bộ/ngành liên quan cũng đã chia sẻ ý kiến về nhiều vấn đề như cơ chế tài chính, xây dựng kế hoạch, đầu tư cho KH&CN… Sau khi nghe báo cáo của Bộ KH&CN và các ý kiến liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu chỉ đạo. Phó Thủ tướng khẳng định, năm 2014, Bộ KH&CN đã rất nỗ lực đổi mới và quyết tâm thực hiện tốt các công việc. Nổi bật là việc hình thành các quỹ và ban hành các thông tư quan trọng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Phó Thủ tướng chỉ đạo trong năm tới, Bộ KH&CN cần tập trung làm tốt hơn nữa công việc này. Nếu năm 2014 là năm chuẩn bị chính sách thì năm 2015 phải là năm đưa chính sách vào cuộc sống. Chia sẻ về việc làm sao để phát triển KH&CN trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý một số việc cần tập trung giải quyết: cần xây dựng được những cơ chế thiết thực với doanh nghiệp, sao cho doanh nghiệp thấy rõ lợi ích để cùng tham gia vào hoạt động KH&CN; Bộ KH&CN cùng các bộ/ngành, cơ quan phải cùng nhau xây dựng được một môi trường minh bạch mà ở đó mọi cạnh tranh đều bình đẳng; cần khơi dậy được sức sáng tạo của toàn dân, trong đó thể hiện được vai trò của các nhà khoa học và tổ chức KH&CN; cần đổi mới “cách ra đầu bài” trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN, sao cho trong cuộc sống những vấn đề gì cần khoa học giải đáp thì đó chính là “đầu bài”, quá trình từ khi ra đầu bài cho đến khi có kết quả phải công khai, minh bạch; phải đẩy mạnh hợp tác, thông tin KH&CN với thế giới, khai thác tốt kho tư liệu tri thức của thế giới để rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cho hoạt động nghiên cứu - triển khai; phải đổi mới mạnh mẽ các đơn vị sự nghiệp KH&CN theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “Bộ KH&CN phải là đơn vị đi đầu trong đổi mới sáng tạo”, phải vươn lên trong mọi mặt, từ cải cách hành chính đến ứng dụng công nghệ thông tin, phải thực sự đổi mới và sáng tạo từ việc nhỏ cho đến việc lớn… có như vậy thì đất nước mới có thể hy vọng vào sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Năm 2015: “Đoàn kết, kỷ cương, trí tuệ, hiệu quả”
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát động phong trào thi đua 2015
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN sẽ hết sức nỗ lực để xứng đáng là đơn vị đi đầu trong đổi mới sáng tạo, để lãnh đạo Chính phủ có niềm tin và cũng là động lực để Bộ KH&CN, ngành KH&CN tiếp tục phát triển.
Xác định năm 2015 là năm đặc biệt quan trọng: năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và KH&CN 5 năm 2011-2015, năm bản lề của Chiến lược 2011-2020, để KH&CN thực sự trở thành động lực quan trọng phát triển nền kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã phát động phong trào thi đua nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ KH&CN với chủ đề “Đoàn kết - kỷ cương - trách nhiệm - hiệu quả”. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ phải bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm sau: (1) Tập trung hoàn thành việc xây dựng và triển khai đồng bộ thực hiện các văn bản hướng dẫn Luật KH&CN, Chiến lược phát triển KH&CN để đưa tinh thần đổi mới của Luật KH&CN 2013 vào cuộc sống . Vận hành hiệu quả các chương trình quốc gia về KH&CN; (2) Tổ chức và triển khai có hiệu quả phong trào thi đua ngay từ đầu năm, gắn phong trào thi đua với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; (3) Tổ chức các hoạt động hướng tới các sự kiện và chào mừng các ngày lễ lớn trong năm; (4) Tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng phần thưởng của Đảng, Nhà nước cho các đơn vị, các nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Đảng, Chính phủ đã trao tặng Huân chương, Bằng khen… cho các tổ chức, các nhân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác.