Tham gia thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (KDCN) sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng đăng ký và bảo hộ KDCN ở gần 70 nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng đăng ký và bảo hộ KDCN ở Việt Nam.
Đây là các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội thảo “Hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp” tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trong 02 ngày 05/9 và 07/9/2018. Hội thảo do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) tổ chức với mục đích giới thiệu Hệ thống Lahay tới các doanh nghiệp ở hai thành phố trọng điểm kinh tế của đất nước.
Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay, thị trường Việt Nam dần trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã gia tăng tìm hiểu, tiếp cận thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), trong đó có kiểu dáng công nghiệp, trở thành một nhu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự bảo vệ về mặt pháp lý đối với các tài sản trí tuệ, ở đây là kiểu dáng của sản phẩm, sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ KDCN của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) của từng quốc gia riêng rẽ theo thủ tục của từng nước và nhiều khoản chi phí phát sinh. Các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cũng gặp các khó khăn tương tự khi muốn bảo hộ quyền của mình tại Việt Nam. Chính những khó khăn về mặt thủ tục, chi phí này khiến cho lượng đơn đăng ký bảo hộ KDCN của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như của người Việt Nam ra nước ngoài chỉ ở mức hạn chế.
Thực tế đó đòi hỏi cơ quan quản lý SHTT của nước ta phải xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi đăng ký bảo hộ KDCN tại Việt Nam, cũng như doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đăng ký bảo hộ KDCN tại nước ngoài. Một trong những chính sách có thể kể đến là việc tham gia điều ước quốc tế với nội dung đơn giản hoá thủ tục xác lập quyền SHTT, cụ thể là Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế KDCN, hiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, hệ thống Lahay được xây dựng nhằm tạo khả năng đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều nước thông qua một đơn đăng ký duy nhất nộp cho Văn phòng quốc tế của WIPO với một loại tiền tệ duy nhất, đồng thời giúp chủ sở hữu dễ dàng quản lý đăng ký quốc tế KDCN của mình như gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu thông qua một thủ tục đơn giản. Vì vậy, người nộp đơn không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt tại mỗi nước cần bảo hộ, do đó tránh được các thủ tục phức tạp và khác nhau của mỗi nước.
Gần đây, hệ thống Lahay đã ghi nhận những bước phát triển đáng chú ý, đặc biệt là sự gia nhập của các thành viên có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Canada. Bản thân các nước ASEAN hiện nay cũng đã cam kết cùng gia nhập Thỏa ước Lahay nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền đối với KDCN cho người nộp đơn tại khu vực, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ASEAN trên thế giới.
“Như vậy, có thể thấy rằng, việc gia nhập Thỏa ước Lahay mang một ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu mối là Cục Sở hữu trí tuệ, hiện đang tiến hành các thủ tục liên quan để trình Chính phủ xin phép gia nhập Thỏa ước Lahay”. Ông Lê Ngọc Lâm cho biết thêm.
Bên cạnh việc tiến hành thủ tục gia nhập, Cục Sở hữu trí tuệ cũng mong muốn giới thiệu đến các đối tượng quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, những thông tin, kiến thức cơ bản về Hệ thống Lahay để các doanh nghiệp có thể sử dụng và khai thác hệ thống này một cách hiệu quả nhất khi Việt Nam chính thức gia nhập trong thời gian tới đây. Bên cạnh đó, Cục cũng chuẩn bị về nguồn lực thông qua việc hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quản trị đơn, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp, có trình độ cao có thể xử lý trực tiếp đơn quốc tế.
Bà Päivi Lähdesmäki, cố vấn cao cấp, Bộ phận Đăng bạ Lahay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới khẳng định, việc bảo hộ KDCN nhằm ngăn chặn hành vi sao chép trái phép hoặc giả mạo, nâng cao vị thế cạnh tranh, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và tạo khả năng sinh lợi. Hiện liên minh Lahay có 69 thành viên ký kết, các thành viên tham gia hệ thống sẽ có nhiều quyền lợi như, nộp một đơn đăng ký quốc tế duy nhất với một hệ thống đăng ký quốc tế duy nhất hoặc nhiều bên ký kết được chỉ định. Nếu không bị từ chối, đăng ký quốc tế KDCN sẽ có hiệu lực và được bảo hộ tại mỗi bên ký kết được chỉ định.
Điểm chính của hệ thống Lahay cho phép chủ sở hữu KDCN đăng ký bảo hộ cho các kiểu dáng của họ với hình thức đơn giản nhất; tiết kiệm chi phí thanh toán một nhóm duy nhất chỉ bằng một loại tiền tệ và hiệu quả trong hỗ trợ việc quản lý sau đăng ký. Ngoài ra, chủ sở hữu quyền có nhiều cơ hội tập trung vào các thị trường quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Đại diện sở hữu công nghiệp, Giám đốc Công ty Luật AMBYS Hà Nội Nguyễn Thu Anh, nhận định, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của nước ta được đăng ký bảo hộ KDCN tập trung vào khoảng 5 - 7 mặt hàng như: Thiết bị điện tử, bao bì, hộp túi, nhãn sản phẩm, đồ gỗ và cấu kiện xây dựng. Tuy nhiên, xu thế hội nhập đang phát triển mạnh mẽ, một số công ty, tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, FPT, Viettel, Vinamilk... đang vươn ra thị trường quốc tế với những chiến lược và tính toán cẩn trọng, hàng năm họ cũng đăng ký hàng trăm sản phẩm sở hữu công nghiệp, trong đó bao gồm KDCN ra nước ngoài.
“Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn có được sự hỗ trợ của Nhà nước ở nhiều khía cạnh, trong đó bao gồm cả vấn đề tham gia các hiệp ước quốc tế về đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung và KDCN nói riêng, để ở mức độ nhất định giảm thiểu những khó khăn pháp lý và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trên con đường tìm kiếm sự bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập”, bà Nguyễn Thu Anh nhấn mạnh.
Vì vậy, để khuyến khích hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm mang tính cạnh tranh cao cũng như đăng ký bảo hộ KDCN để xác lập tài sản vô hình nhằm tạo ra sản phẩm hữu hình, Việt Nam đã không nghừng hoàn thiện khung pháp lý SHTT, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức giáo dục pháp luật SHTT, hội nghị, hội thảo, tập huấn cho các cơ quan quản lý và thực thi SHTT ở các địa phương và các doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thu, Văn phòng Luật sư Phạm và liên danh chia sẻ.
Nhiều ý kiến đại biểu tham dự đến từ các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, các doanh nghiệp cũng đưa ra những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm khi Việt Nam gia nhập Hệ thống Lahay để các chuyên gia bình luận và giải đáp. Các vấn đề mà đại biểu đưa ra đều là những vấn đề rất thực tiễn và hữu ích mà Cục Sở hữu trí tuệ cũng như các tổ chức tư vấn sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng khi Việt Nam gia nhập Hệ thống Lahay.
Một số hình ảnh của Hội thảo:
Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo tại Hà Nội
Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo tại TP. HCM
Bà Päivi Lähdesmäki, chuyên gia cố vấn cao cấp, Bộ phận Đăng bạ Lahay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trình bày tại Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo tại TP. HCM.
Ngày 2/10, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức khai mạc lớp tập huấn nghiệp vụ Thông tin và Truyền thông cơ sở năm 2018 cho hơn 240 học viên là lãnh đạo, cán bộ phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện và cán bộ Đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Ngày 3-10, Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh phối hợp với Trung tâm tư vấn, đào tạo Công nghiệp - Thương mại thuộc Viện nghiên cứu chiến lược chính sách, Bộ Công thương tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức năng lực về hội nhập kinh tế quốc tế năm 2018 cho lãnh đạo các xã, phường, thị trấn; cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2018 được tổ chức ngày 21/9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong thời gian tới, phải xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; làm cho văn hóa thật sự là động lực, nền tảng tinh thần của xã hội.
Thực phẩm hữu cơ, an toàn đối với sức khỏe con người đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng, cùng với đó, việc ban hành tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam được coi là nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý nhằm giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện sản xuất, tiếp cận thị trường nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài nước.
VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hội nghị WEF ASEAN 2018 - Chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Khác với những dịp Tết trung thu trước đây, người tiêu dùng hiện đã có nhận thức rõ ràng hơn về việc lựa chọn những mặt hàng đồ chơi trẻ em đạt chuẩn cho con trẻ.