Trong 15 năm qua, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã hoàn thành tốt hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nhà sản xuất kinh doanh chân chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại Hội thảo 15 năm công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Tại hội thảo 15 năm công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa được Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Cục QLCL) tổ chức mới đây, đánh giá về tình hình công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục QLCL cho biết, chính sách mở cửa hội nhập tạo cơ hội giao thương hàng hóa nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức đối với công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa.
“Nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và góp phần phát triển doanh nghiệp một cách bền vững. Công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa trong 15 năm qua được chuyển đổi từ thực hiện theo Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa đến thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đặc biệt là trong 3 năm gần đây, hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được triển khai với tinh thần cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường Kinh doanh theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng’, ông Tuấn cho biết.
Ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục QLCL báo cáo về tình hình triển khai và kết quả của công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa chặng đường 15 năm qua.
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm tra CLSPHH được xây dựng và ban hành, Cục QLCL đã tăng cường tổ chức triển khai thực hiện. Việc kiểm tra tập trung vào các hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN như mặt hàng xăng, dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, điện, điện tử và các hàng hóa khác khi có thông tin cảnh báo trong nước, quốc tế,…
Theo thống kê, từ 2009 – 2019, Cục QLCL đã chủ trì, có sự tham gia phối hợp của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) và Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa sản xuất, lưu thông nhiều tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Kiên Giang… kiểm tra và khảo sát tại 4.613 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng: xăng dầu, điện-điện tử, mũ bảo hiểm, vàng, trang sức, mỹ nghệ;…
Qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh Cục QLCL đã phát hiện và tạm dừng sản xuất, lưu thông 3.707 mẫu hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa và chất lượng, lập biên bản và hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt trên 2 tỷ đồng.
Theo ông Tuấn, bên cạnh các mặt hàng như xăng dầu; điện-điện tử, mũ bảo hiểm; vàng, trang sức, mỹ nghệ;… vẫn được kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm thì điển hình nhất vẫn là các vụ việc về xăng dầu chất lượng kém.
Xăng dầu là mặt hàng bị phát hiện vi phạm nhiều nhất có quy mô lớn và phức tạp. Nếu như năm 2015 xử lý đối với 2 lô xăng không đạt chất lượng, năm 2017 tạm dừng lưu thông và chuyển hồ sơ cho QLTT Hòa Bình xử phạt 56.979.600 đồng đối với hành vi kinh doanh lô xăng RON 95 không phù hợp QCVN (1.030 lít); Tạm dừng lưu thông lô xăng RON 95 (1.720 lít) không đạt qua thử nghiệm và chuyển hồ sơ xử lý vi phạm cho QLTT Hà Nội; Cục QLCL tạm dừng lưu thông 02 lô xăng RON 92-II (4.542 lít) đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho QLTT Bắc Giang xử phạt trên 130 triệu đồng, tịch thu hàng hóa xăng dầu trị giá trên 128 triệu đồng. Tính đến 15/9/2019, Cục QLCL đã xử lý, tạm dừng lưu thông 05 lô xăng không đạt chất lượng, với tổng khối lượng trên 47.000 lít, chuyển hồ sơ Tổng cục TCĐLCL đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về chất lượng trong kinh doanh xăng dầu với số tiền phạt trên 800 triệu đồng, ông Tuấn dẫn chứng.
Đề cập đến công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Cục QLCL thống kê, từ 2009 đến 9/2019, đã có 9.921 lô hàng hóa nhập khẩu (xăng, dầu DO, LPG, dầu nhờn động cơ) với tổng khối lượng 85 triệu 493 nghìn tấn đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu được kiểm tra.
Qua kiểm tra, phát hiện 18 lô không đạt yêu cầu chất lượng, xử lý tái chế đạt yêu cầu và tiếp tục được nhập khẩu 13 lô, buộc tái xuất 05 lô. Tình hình chất lượng xăng dầu nhập khẩu chính ngạch qua kiểm ra nhà nước về chất lượng từ năm 2017 đến nay có xu hướng tốt, 100% các lô hàng nhập khẩu đều đảm bảo chất lượng phù hợp QCVN.
Triển khai thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia đã giúp cho việc thực hiện các thủ tục kiêm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN tại Cục QLCL, các Chi cục TCĐLCL địa phương được thực hiện trực tuyến cấp độ 3, 4, giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành cho doanh nghiệp nhập khẩu. Tới nay đã có trên 44.919 hồ sơ về kiểm tra nhà nước chất lượng hàng hóa nhập khẩu được thực hiện trên 1 cửa quốc gia, ông Tuấn cho biết.
Toàn cảnh hội thảo.
Đánh giá cao vai trò của Cục QLCL trong hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, đánh dấu chặng đường 15 năm Cục QLCL hình thành và phát triển, cống hiến đối với Tổng cục, Bộ KH&CN, Chính phủ cũng như công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cả nước nói chung, Cục QLCL là đơn vị đảm nhiệm triển khai công tác kiểm tra, quản lý thực tế trên thị trường của Tổng cục, Bộ KH&CN trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, Cục cũng thay mặt Tổng cục TCĐLCL, Bộ KH&CN tham gia vào rất nhiều vụ việc xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm trong xã hội.
Nói về định hướng phát triển, ông Nguyễn Hoàng Linh bày tỏ mong muốn Cục QLCL tiếp tục nỗ lực thể hiện rõ hơn vai trò của mình. Thứ nhất, cần tiếp tục duy trì và phát huy tính chuyên nghiệp từ việc tham mưu văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức, thực thi hoạt động quản lý trực tiếp… Công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan cần bài bản, chặt chẽ hơn nữa. Hạn chế tối đa các phản ứng của các đơn vị được kiểm tra sao cho kết quả của Đoàn kiểm tra đóng góp được cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn.
Thứ hai, Cần có đánh giá và tham mưu về xu hướng, hành vi gian lận về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa ảnh hướng tới người tiêu dùng. Đồng thời cần có nghiên cứu, điều tra khảo sát cụ thể để đưa ra cảnh báo không chỉ dành riêng cho Bộ KH&CN mà còn cho các cơ quan ban ngành khác.
Thứ ba, Cục cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc. Hạn chế giấy tờ rườm rà nhằm thực hiện tốt hơn nữa định hướng Chính phủ điện tử.
Cuối cùng, ông Nguyễn Hoàng Linh mong muốn Cục tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết để hoạt động kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đạt được hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển với phương châm chất lượng là cốt lõi của sự phát triển bền vững.
Thay mặt Tổng cục, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh chúc mừng Cục QLCL đã có nhiều kết quả trong hoạt động trong 15 năm hình thành và phát triển.
Với những thành tích đã đạt được trong các năm qua, tập thể cán bộ công chức và người lao động Cục QLCLSPHH đã nhận được những danh hiệu cao quý: |
Theo most.gov.vn
Năng suất và chất lượng sản phẩm của các tổ chức, doanh nghiệp nói chung và hợp tác xã (HTX) nói riêng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển và cạnh tranh trên thị trường
Tại Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.
Việc mở rộng các buổi tổ chức đào tạo chuyên gia năng suất tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo trong nước về năng suất sẽ tạo ra mạng lưới chuyên gia năng suất, từ đó thu hút các ứng viên trên toàn quốc.
Là huyện miền núi, thu nhập của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Yên Lập chủ yếu trông vào nông, lâm nghiệp. Để tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân, Yên Lập đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, nâng cao giá trị nông, lâm sản.
Ngày 23/10/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến các quy định về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”.
Truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, hàng hóa đã và đang là nhu cầu cần thiết đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm công khai, minh bạch các thông tin về quá trình sản xuất, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm đã được gắn tem TXNG, góp phần khẳng định uy tín và nâng tầm thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã.