Trong khuôn khổ International Techmart Vietnam 2015, ngày thứ ba tiếp tục có những hoạt động giới thiệu nhu cầu đổi mới công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp tại khu vực đàm phán, giao lưu mở. Các buổi toạ đàm giao lưu giữa các doanh nghiệp với khách hàng, Toạ đàm “Ứng dụng công nghệ và cơ hội khởi nghiệp”; Tọa đàm “Vai trò của công nghê cao trong nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp”; Tọa đàm “Hành trình sáng tạo của những nhà sáng chế không chuyên – Làm sao tìm vốn và thương mại hoá sản phẩm của nông dân sáng tạo”, Hội thảo “Công nghệ, thiết bị an ninh, an toàn hệ thống và các giải pháp công nghệ thông tin”, Hội thảo “Thương mại hoá giống cây trồng”.
Tiếp nối chương trình từ ngày hoạt động thứ hai của International Techmart Vietnam 2015, buổi thuyết trình giới thiệu của các tổ chức và cá nhân về các sản phẩm và dịch vụ KH&CN mới đã diễn ra trong ngày thứ ba, với những nội dung chính về Vật liệu - Xây dựng; Y dược - Nông nghiệp. Trong đó, Vật liệu - Xây dựng có những chủ đề: Ứng dụng công nghệ Composite gốm cao cấp chống ăn mòn, mài mòn, nâng cao tuổi thọ, giảm chi phí sửa chữa và giảm tiêu hao điện năng cho các thiết bị công nghiệp; Gạch xây dựng âm dương.
Y dược - nông nghiệp với những chủ đề: Ứng dụng công nghệ mới trong chẩn đoán, chữa và phòng bệnh cột sống; Thuyết trình về quy trình công nghệ dự báo như trường nghề câu cá ngừ đại dương và các sản phẩm dự báo.
Các buổi toạ đàm giao lưu giữa các doanh nghiệp với khách hàng tại khu vực “Doanh nhân và nông dân sáng tạo hội nhập” về những chủ đề: “Nắm vững và xử lý ổn vấn đề tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp – Công nghệ mới hỗ trợ khởi nghiệp”; Giới thiệu về Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014; Những cái bẫy tài chính đối với các nhóm khởi nghiệp; Những phương pháp tối ưu để thoát khỏi bẫy tài chính; Giới khởi nghiệp ở Việt Nam có thể học hỏi gì từ những xu hướng khởi nghiệp mới trên thế giới (về cách quan sát và tìm kiếm ý tưởng, cách kêu gọi vốn ban đầu, cách xây dựng liên kết, cách tận dụng các nguồn lực từ sân chơi khởi nghiệp quốc tế…).
Toạ đàm “Ứng dụng công nghệ và cơ hội khởi nghiệp”, bàn về sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay hé mở những cơ hội khởi nghiệp, làm thế nào để phát hiện những cơ hội khởi nghiệp đó; vai trò của công nghệ thông tin, mạng xã hội đối với khởi nghiệp...
Tọa đàm “Vai trò của công nghê cao trong nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp”, nhằm giải đáp cho những vấn đề như: Đầu tư công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn, vậy đâu là động lực để đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp tại Việt Nam? Tham gia chuỗi giá trị đòi hỏi sự liên kết giữa các thành phần khác nhau trong chuỗi, trong khi đây là điểm yếu cố hữu của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong nông nghiệp, vậy đâu là chiến lược và sách lược để gây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp? Sự xuất hiện của các doanh nghiệp công nghệ cao tác động như thế nào đến cơ cấu của chuỗi giá trị? Liệu các doanh nghiệp nhỏ khác có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị này? Nếu có thì bằng cách nào?...
Toạ đàm “Hành trình sáng tạo của những nhà sáng chế không chuyên - Làm sao tìm vốn và thương mại hoá sản phẩm của nông dân sáng tạo”, nội dung bàn về câu chuyện sáng tạo của các nông dân từ thực tiễn sản xuất và kinh doanh, đồng thời làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan như: Đặc thù của nông nghiệp Việt Nam (tập quán sản xuất, biến đổi khí hậu, trình độ công nghệ…) đang gợi ra những nhu cầu công nghệ gì? Tại sao đã có những nhà cung cấp lớn của thế giới, mà vẫn cần tới sản phẩm của nông dân sáng tạo? Làm sao tìm vốn và thương mại hoá sản phẩm của các nhà sáng chế không chuyên?...
Hội thảo “Công nghệ, thiết bị an ninh, an toàn hệ thống và các giải pháp công nghệ thông tin” có sự tham gia của bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; ông Lê Trung Nghĩa, Cố vấn Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Quốc gia về Công nghệ mở; TS. Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về an ninh, bảo mật dữ liệu trước xu hướng bị tin tặc tấn công, mất cắp dữ liệu… và giới thiệu những giải pháp mới để bảo đảm an toàn dữ liệu và hệ thống.
Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận: Mô hình mạng 7 lớp OSI và khuyến cáo về an ninh dữ liệu cho Việt Nam; Nguy cơ và giải pháp đảm bảo an toàn thông tin của Ban cơ yếu chính phủ cho các cơ quan nhà nước; Tìm và diệt mã độc: Cuộc chiến không cân sức; Giải pháp điều hành doanh nghiệp và quản lý thi công công trình (iBom); Thuyết trình giới thiệu công nghệ POS và Mobile shopping App.
Hội thảo “Thương mại hoá giống cây trồng” do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam tổ chức. Các báo cáo được thuyết trình tại hội thảo bao gồm: Giới thiệu giống cây trồng mới của VAAS; Báo kết quả Nghiên cứu chọn tạo và mua bản quyền giống cây trồng. Trong buổi hội thảo, các đại biểu cũng tham gia thảo luận, trao đổi, bổ sung các thông tin về giống, điều kiện thoả thuận hợp đồng và ký kết các hợp đồng chuyển nhượng giống/biên bản ghi nhớ.
Ngoài ra, các hoạt động ký kết vẫn diễn ra sôi nổi, tính đến hôm nay, đã có 461 hợp đồng ký kết với tổng giá trị là 378,7 tỷ đồng với hàng ngàn lượt tham quan.