Uy ban nhân dân tỉnh phú thọ
Sở khoa học và công nghệ
 SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH PHÚ THỌ
ủy ban nhân dân tỉnh phú thọ
sở khoa học và công nghệ
Thứ Hai, 22/05/2023
Từ viết tắt
Xem với cỡ chữ
Đọc bài viết
Tương phản

Khoa học là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu thịnh vượng


Kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt giới trí thức, 10 năm Ngày khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam (18/5/2013 - 18/5/2023), chiều 17/5, Bộ KH&CN long trọng tổ chức Lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực phát triển bền vững”.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và ghi nhận những đóng góp của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và cho rằng đây là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu thịnh vượng.


Lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5/2023.

Tham dự buổi Lễ chào mừng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, nhà khoa học và phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí.
Khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo
Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, 10 năm qua, từ khi Luật KH&CN năm 2013 được thông qua, Ngày KH&CN Việt Nam đã trở thành ngày hội của lực lượng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) cả nước.
Nhiều hoạt động chào mừng được các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học tổ chức rộng khắp trên toàn quốc như: các lễ trao giải thưởng; triển lãm về các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến hữu ích; mở cửa các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu cho học sinh, sinh viên và người dân tham quan, tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi Lễ.

Bên cạnh đó, nhiều phong trào thi đua, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân; phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp được tổ chức rộng rãi, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
“Các hoạt động phong phú, thiết thực chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam trong 10 năm qua đã khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; dần hình thành văn hóa ĐMST và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, góp phần kiến tạo một xã hội tôn trọng khoa học và tư duy sáng tạo", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.
Năm 2023 ngành KH&CN kỷ niệm tròn 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Trong đó, Người nhấn mạnh nhiệm vụ của KH&CN là phải cải tiến lề lối sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư tưởng lớn đối với định hướng phát triển lâu dài của nền KH&CN nước nhà đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng. Để làm được điều đó, cần có sự quyết tâm và nỗ lực hơn nữa của lực lượng KH&CN. Bên cạnh đó, rất cần có sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; cũng như sự chung tay của toàn xã hội, để những người làm khoa học kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê bất tận, vượt lên khó khăn, thách thức tạo ra nhiều thành quả thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho tri thức của nhân loại.
Bộ trưởng cũng khẳng định, với vai trò quản lý nhà nước, Bộ KH&CN sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng KH,CN&ĐMST.
Ứng dụng KH&CN đưa thương hiệu Việt ra thế giới
Tại Lễ chào mừng, các diễn giả là những gương mặt đại diện doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nhà khoa học đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về con đường phát triển KH&CN của cá nhân và đơn vị. Ông Nguyễn Đức Tài, CEO Công ty cổ phần Lumi Việt Nam, với câu chuyện về hành trình khởi nghiệp từ năm 2008 khi là sinh viên năm 3 thuộc đội Robocon, Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi Lumi Việt Nam ra đời, để có chi phí “nuôi dưỡng” công ty, doanh nghiệp dành 50% thời gian cho việc nghiên cứu, thời gian các thành viên phải làm đủ nghề khác như sửa chữa, thiết kế, lập trình hệ thống điện... Sau ba năm, giải pháp smarthome của Lumi ra mắt, tới nay có 135 thành viên với gần 50 kỹ sư nghiên cứu phát triển, 120 nhà phân phối trên cả 63 tỉnh, thành phố. Công ty đã xuất khẩu sản phẩm sang các nước như: Isarel, Thái Lan, Ấn Độ và triển khai nhiều dự án trọng điểm.
TS. Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí chia sẻ về hành trình buộc phải “chuyển mình” để thích ứng với giai đoạn Việt Nam chuyển hướng nền kinh tế thị trường. Khi ấy, Viện phải tự chủ động tiếp thị để có hợp đồng cung cấp máy móc, thiết bị và dịch vụ cho khách hàng. Sau những giai đoạn khó khăn, đến nay Viện đã tham gia thiết kế, chế tạo, cung cấp thiết bị cho hơn 30 dự án thủy điện với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ câu chuyện đưa chanh leo về Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Nafoods Group kể, năm 2000, ông bắt đầu tiếp cận nhà khoa học từ Đài Loan đưa giống chanh leo về Việt Nam, thành lập viện nghiên cứu tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nafoods Group áp dụng công nghệ để sản xuất chanh leo an toàn, đảm bảo chất lượng. Hiện tại dây chuyền chế biến đã được tự chủ động công nghệ 80%. Đến nay, công ty đã có chuỗi quản lý vùng trồng, hướng tới nguồn thu nhập tỷ đô từ cây chanh leo.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tặng hoa các diễn giả.

Ông La Văn Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đại diện cho địa phương ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp cho biết, vải Lục Ngạn cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021 và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 7 quốc gia: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và Mỹ. Hiện vải thiều được tiêu thụ ở nhiều siêu thị trong nước, xuất khẩu trên 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ...
Theo ông La Văn Nam, việc tạo lập, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa rộng; danh tiếng uy tín, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao rõ rệt, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu. Sau khi vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước đã có tác động rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương…
TS Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm Nghiên cứu thiết kế và tổng hợp thuốc, Viện nghiên cứu Phenikaa, giảng viên khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa, là gương mặt đại diện nhà khoa học trẻ. Câu chuyện của TS. Tùng gợi mở các nhà khoa học trẻ hãy tin tự chinh phục những vấn đề tầm thế giới. Anh kể, khi du học trở về nước hướng nghiên cứu của anh là tìm các thuốc điều trị các bệnh "truyền nhiễm" và "bệnh hiếm". "Việc lựa chọn này cũng mang đến nhiều khó khăn khi nhiều lúc phải tổng hợp ra hàng trăm chất, mà không có chất nào có tác dụng, khiến công việc nghiên cứu đi vào ngõ cụt". Nhờ nỗ lực tìm kiếm, phân tích và cả niềm tin, hiện nhóm có các kết quả tiềm năng làm ra thuốc công bố trên các tạp chí quốc tế.
Lấy KH,CN&ĐMST làm động lực tăng trưởng
Mở đầu bài phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại câu nói của triết gia người Thụy Sĩ Henri Frederic Amiel “Xã hội phát triển nhờ khoa học”. Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức mới, lại càng thấy rõ vai trò quan trọng của KH&CN.
Điểm lại quá trình phát triển, ứng dụng KH&CN trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; giai đoạn đổi mới đất nước…, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước luôn xác định phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển KH-XH, bảo vệ Tổ quốc. Nền KH&CN đã có những đóng góp quan trọng, nổi bật trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Trong bài phát biểu Thủ tướng đã nhấn mạnh, những năm gần đây, ngành KH&CN tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam là quốc gia đạt tiến bộ và có tiềm năng lớn với giá trị ngày càng tăng về đổi mới sáng tạo, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng quan tâm, tập trung đầu tư cho phát triển KH&CN thông qua các quỹ, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm và các loại hình liên kết; Chỉ số đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu thế giới.
Cùng với đó, đội ngũ trí thức KH&CN ngày càng lớn mạnh, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều nhà khoa học Việt Nam, trong đó có các nhà khoa học nữ, khoa học trẻ đã có những nghiên cứu mang tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế. Thị trường KH&CN đã được hình thành, bước đầu phát huy tác dụng và đạt một số kết quả tích cực.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đã cống hiến thầm lặng và lao động quên mình cho đất nước trong suốt những năm qua. Thủ tướng cũng biểu dương các ngành, các cấp đã ủng hộ, hỗ trợ lực lượng KH&CN hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi Lễ.

Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực KH&CN cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Ðó là, KHCN&ĐMST phát triển chưa tương xứng với tiềm nǎng và vị trí quốc sách hàng đầu; chưa thực sự trở thành động lực để thúc đẩy phát triển.
Về quan điểm phát triển KH&CN, Thủ tướng cho rằng, phát triển KH&CN phải phục vụ thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
KH,CN&ĐMST phải gắn liền với thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo của sự thành công. Nghiên cứu khoa học vừa phải tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực cơ bản, nền tảng, mang tính lý thuyết, vừa phải giải quyết vấn đề mới những nút thắt mà thực tế đặt ra; đồng thời có tính định hướng, dẫn dắt cho sự phát triển của sản xuất, kinh doanh.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển KH&CN, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước và xã hội cho phát triển KH,CN&ĐMST; xác định đầu tư cho KH,CN&ĐMST là đầu tư cho phát triển; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, thúc đẩy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển KH&CN. Tạo sự đột phá trong ứng dụng KH,CN&ĐMST trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công.
Tạo môi trường học thuật và điều kiện làm việc thuận lợi để sử dụng, trọng dụng và thu hút nhân tài KH&CN; phát triển mạng lưới kết nối nhân tài Việt Nam trong nước và ngoài nước. Tăng cường thu hút sự tham gia tích cực của các nhà khoa học nhằm giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn phát triển KT-XH đất nước. Tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH&CN phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm môi trường tự do học thuật và tự chủ trong nghiên cứu.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ KH&CN; khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, ĐMST, khuyến khích sự dấn thân, dám đối diện với rủi ro trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Nghiên cứu, áp dụng cơ chế sử dụng nguồn vốn Nhà nước để đầu tư mạo hiểm cho KH,CN&ĐMST.
Các doanh nghiệp cần coi hoạt động KH,CN&ĐMST là một trong các yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Quan tâm, khuyến khích để người lao động không ngừng cải tiến, sáng tạo trong lao động. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và hấp thụ công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu về KH&CN, cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng tuyên truyền về các mô hình hoạt động KH&CN thành công, sáng kiến hay được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh để khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các ý tưởng, sáng kiến phát triển KH&CN. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần quốc gia học tập, quốc gia khởi nghiệp, quốc gia ĐMST.
Nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, dấn thân vì khoa học, để niềm đam mê này tiếp tục được trao truyền, lan tỏa sang các thế hệ hôm nay và mai sau. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh đầu tư toàn diện cho phát triển KH&CN, nhất là các lĩnh vực mới phục vụ phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.


Trước khi diễn ra Lễ chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã thăm các gian hàng tại triển lãm.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với ý chí, quyết tâm và sự nỗ lực, ngành KH&CN sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được trong những năm qua để có những đóng góp ngày càng quan trọng, thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân./.

Theo most.gov.vn

Lượt xem: 19



BÀI VIẾT KHÁC
Hưởng ứng "Tuần lễ quốc gia nước sạch  và vệ sinh môi trường năm 2024"
Hưởng ứng "Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024"

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hằng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5) do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 và được các Ban ngành Trung ương, địa phương và Nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng giúp đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn.

Ngày 19/04/2024
Phát động cuộc thi ảnh, video "Việt Nam Hạnh phúc - Happy Viet Nam 2024"
Phát động cuộc thi ảnh, video "Việt Nam Hạnh phúc - Happy Viet Nam 2024"

Năm 2012, Liên hợp quốc đã chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc theo đề xuất của Buhtan – một quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường và chất lượng sống của người dân, nhằm nhấn mạnh vai trò của hạnh phúc và sự hài lòng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và giảm nghèo đói, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hạnh phúc và quyền con người trong quá trình hoạch định chính sách của mỗi quốc gia.

Ngày 16/04/2024
Đề án 844: nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
Đề án 844: nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia

Ngày 28/3/2024, tại Hà Nội, Ban Điều hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức buổi họp toàn thể nhằm đánh giá kết quả đã đạt được của Đề án năm 2023, thông qua kế hoạch hoạt động năm 2024 và định hướng kế hoạch hoạt động Đề án những năm tiếp theo.

Ngày 11/04/2024
Thủ tướng ban hành công điện yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng
Thủ tướng ban hành công điện yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/4/2024.

Ngày 08/04/2024
Khởi động cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chính sách, pháp luật của ngành Khoa học và Công nghệ
Khởi động cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chính sách, pháp luật của ngành Khoa học và Công nghệ

Cuộc thi nhằm thiết thực chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn; chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam 18/5; kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bộ KH&CN; 65 năm ngày thành lập Công đoàn Bộ KH&CN; 30 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam và 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Ban Thường vụ Công đoàn Bộ đã ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về chính sách, pháp luật của ngành KH&CN.

Ngày 04/04/2024
Nghiệm thu dự án KH&CN “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu Chứng nhận “Vải Hùng Long” cho sản phẩm vải chín sớm của xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ”
Nghiệm thu dự án KH&CN “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu Chứng nhận “Vải Hùng Long” cho sản phẩm vải chín sớm của xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ”

Ngày 28/3/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu dự án KH&CN cấp tỉnh “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Vải Hùng Long” cho sản phẩm vải chín sớm của xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ” do UBND huyện Đoan Hùng chủ trì thực hiện. Đồng chí Chu Thị Bích Thuỷ - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chủ trì hội nghị.

Ngày 29/03/2024
Chung tay cải cách thủ tục hành chính Du lịch Phú Thọ Lịch tiếp công dân Thống kê KHCN Kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN Nhiệm vụ KHCN đang tiến hành

Liên kết trang

PAKN đã trả lời

0

PAKN đang xử lý

0

PAKN từ chối xử lý

0